Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, thị trường phân bón thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, nay lại càng nặng nề hơn do chiến sự Nga-Ukraine nổ ra từ ngày 24/2/2022.
Hàng loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU nhắm vào Nga đã tác động mạnh đến thị trường phân bón thế giới về suy giảm nguồn cung và tăng giá. Ngay sau cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra ngày 24/2/2022, giá phân bón thế giới lập tức tăng 8-12% so với thời điểm trước đó là ngày 23/2/2022.
“Thị trường phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá. Việc nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân kali do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Trên thị trường nội địa, hiện giá phân Ure ở mức 18.000 đồng/kg; phân DAP ở mức 18.500-19.000 đồng/kg; phân NPK ở mức 16.000-16.500 đồng/kg... Như vậy, so với tháng 2/2022, giá phân bón hiện đã tăng từ 5-8%. Có loại phân bón biến động giá theo tuần.
Cục Bảo vệ thực vật nhận định, giá phân bón đang ở mức cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây do những diễn biến tăng theo giá thế giới.
Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam thông tin thêm, giá phân bón trong nước tăng mạnh phần lớn do chịu tác động từ thị trường phân bón thế giới; trong đó có giá dầu tăng dẫn đến giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng.
Đáng chú ý, Nga và Trung Quốc-2 quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu đã quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón hóa học để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa và dẫn đến tăng giá.
Cụ thể, Trung Quốc đã kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón xuất khẩu từ ngày 15/10/2021. Trong khi đó, ngày 17/11/2021, Nga hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ và phân bón tổng hợp chứa nitơ trong 6 tháng để cố gắng kiềm chế sự tăng giá trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao.
Hạn ngạch xuất khẩu phân đạm dự kiến là 5,9 triệu tấn; hạn ngạch đối với phân bón chứa nitơ ở mức 5,35 triệu tấn. Hạn ngạch dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022.
Dự báo, trong thời gian tới, nguồn nhập khẩu phân bón sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng lớn từ những tác động tiêu cực của chiến sự Nga - Ukraine. Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất phân bón trong nước vừa có cơ hội, vừa có trách nhiệm phát huy hết công suất sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, giúp giảm giá thành.
Để “giảm nhiệt” giá phân bón, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam cho rằng, Chính phủ cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng xuất khẩu phân bón. Giải pháp này là khả thi khi hiện nay gần 100% thị phần phân bón xuất khẩu nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước.
Tương tự mặt hàng phân bón, thép cũng là mặt hàng giá liên tục “nhảy múa” thời gian gần đây.
Tại khu vực miền Bắc, với thép Hòa Phát, giá thép cuộn đang được bán tại các đại lý ở mức 20,3 triệu đồng/tấn; thép cây 22,2 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, thép cuộn Việt Đức được bán ở mức gần 20 triệu đồng/tấn; thép cây 19,8 triệu đồng/tấn. Mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Xung quanh vấn đề giá thép tăng, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép lý giải, giá các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế… đều đã tăng mạnh. Cùng với đó nhu cầu xây dựng, các dự án trong nước đã trở lại hoạt động khiến lượng tiêu thụ thép tăng cao.
“Ngoài ra, không thể không nói tới yếu tố căng thẳng tại Nga – Ukraine như một tác nhân đẩy giá thép tăng đột biến hơn”, ông Nguyễn Văn Sưa nói.
Với diễn biến hiện tại, vị chuyên gia này dự báo, giá thép trong nước sẽ rất khó “hạ nhiệt” nhanh chóng, ngược lại có thể tiếp tục tăng giá hoặc neo ở mức giá cao trên 20 triệu đồng/tấn thêm một thời gian, đến khi những bất ổn về nguồn cung, chi phí logistics trên thế giới ổn định hơn.
“Nga là thị trường xuất khẩu lớn các mặt hàng như dầu, khí, thép… nhưng thị trường này đang có vấn đề khiến nguồn cung thiếu hụt nên rất khó nói trước về giá các mặt hàng trong tương lai”, ông Sưa nhấn mạnh.
Nguồn:Haiquanonline