menu search
Đóng menu
Đóng

Khai thác tiềm năng doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng

09:28 20/10/2017

Hầu hết các mỏ than của ASEAN đều nằm ở Indonesia và Việt Nam

Vinanet - Mức sử dụng năng lượng bình quân đầu người của 10 nước ASEAN vẫn khá thấp, tương đương khoảng 0,61 mét tấn dầu cho một người, so với 1,1 mét tấn ở Trung Quốc, 4,67 ở Nhật Bản và 1,69 bình quân thế giới. Nhưng việc sử dụng năng lượng thương mại đã tăng đáng kể trong 25 năm qua.

Các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt với một loạt các tình huống “tiến thoái lưỡng nan” về chuyển đổi năng lượng. Các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng trong khu vực, mức độ độ thị hóa gia tăng và sự thịnh vượng ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu đã tạo ra nhu cầu ngày càng lớn về dịch vụ năng lượng và điện. Khu vực ASEAN có 8% nguồn nhiên liệu hóa thạch của thế giới. Ví dụ: gần như tất cả các mỏ than của ASEAN đều nằm ở Indonesia (83%) và Việt Nam (10%). Khí đốt tự nhiên và dầu mỏ được tìm thấy ở Brunei, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Indonesia và Philippines có trữ lượng năng lượng địa nhiệt đáng kể, trở thành nước sản xuất năng lượng lớn thứ hai và thứ tư về nguồn địa nhiệt trên thế giới. Thủy điện khá phong phú ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Tất cả các nước ASEAN đều có lượng sinh khối là nguồn năng lượng phi thương mại phổ biến cho nấu ăn và năng lượng, nhất là ở khu vực nông thôn. Sự đa dạng các nguồn năng lượng sẵn có đã tạo ra các cơ hội hợp tác. Thách thức về phát triển, phân phối năng lượng, nghèo năng lượng của khu vực đang gặp phải những khó khăn liên quan đến cải thiện an ninh năng lượng và giảm phát thải các bon.

Các nước Đông Nam Á đối mặt với thách thức trong phát triển nguồn năng lượng và phân phối năng lượng từ các địa điểm xa xôi đến các trung tâm sản xuất, tiêu dùng ở thành thị nơi cần nhiều năng lượng nhất. Hơn nữa, địa lý kinh tế và năng lượng của các nước Đông Nam Á rất không đồng đều. Năm 2015, có ít nhất 134 triệu người dân trong khu vực, tương đương 22% dân số không được tiếp cận điện năng. Khu vực có hàng nghìn hòn đảo thấp, bao gồm phần lớn của Indonesia và Philipines là những nơi cực kỳ khó khăn về tiếp cận năng lượng. Kể từ khi Hiệp định Paris tháng 12/2015 và phê chuẩn các khoản đóng góp của các quốc gia vào tháng 11/2016, các nước trong khu vực hiện đang chú ý nhiều hơn cho các giải pháp chuyển đổi năng lượng các bon thấp.
Trong tình huống kinh doanh thông thường, cung cấp năng lượng của các nước ASEAN dự báo tăng đều đặn từ 619 triệu tấn dầu tương ứng năm 2013 lên 1.685 triệu tấn dầu vào năm 2040, tăng bình quân năm là 4,7%. Mức tăng trưởng dự kiến này cao hơn mức tăng được ghi nhận từ năm 1990 đến 2013, khi đạt bình quân năm 4,2%. Phát thải các bon trong giai đoạn dự báo được ước tính tăng 4% mỗi năm. Sự khác biệt giữa tổng sử dụng năng lượng trong kịch bản chính sách và tình huống kinh doanh thông thường thể hiện tiềm năng của phát triển năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng có thể đạt được thông qua thực hiện các chính sách tiên tiến để tăng hiệu quả sử dụng điện sản xuất và tiêu dùng, giao thông, khu dân cư và các ngành công nghiệp. Các chính sách này dự kiến sẽ góp phần làm giảm 13% nhu cầu năng lượng vào cuối năm 2030, do đó tránh phát thải các bon ít nhất là mức này.
Ước tính, các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng các bon thấp để đáp ứng các mục tiêu sẽ tăng đều đặn và đến năm 2030 sẽ cần khoảng 2.100 tỷ USD cho các nước ASEAN. Khoảng 46% yêu cầu này sẽ là ngành điện, sau đó khoảng 17% cho hiệu quả năng lượng. Mỗi khoản đầu tư đều có rủi ro riêng với các yếu tố khác nhau: thị trường, kỹ thuật, quy định ở các mức độ khác nhau. Từ quan điểm tài chính cơ sở hạ tàng, và quan ngại về đầu tư cho năng lượng các bon thấp: do các rào cản quản lý, thị trường và tài chính, dòng tiền trong suốt thời gian dự án không đủ để trả lại số tiền đầu tư theo thực tế và kiếm được nguồn lợi tức hợp lý. Các rào cản quy định bao gồm cả việc phân chia các chính sách năng lượng và chính sách về khí hậu và phát triển xã hội. Trợ cấp vẫn là rào cản thị trường có ảnh hưởng đến giá năng lượng và làm giảm sản xuất và tiêu thụ năng lượng các bon thấp. Sự biến động bất thường của tỷ giá hối đoái và tăng lãi suất là những rủi ro tài chính liên quan đến đầu tư mới.
Vậy vai trò của các nước ASEAN trong việc khai thác tiềm năng cho doanh nghiệp như thế nào?
Thứ nhất, đảm bảo một môi trường chính sách năng lượng, kinh tế và thân thiện môi trường, tạo tin cậy cho các nhà đầu tư trong dài hạn.
Thứ hai, cung cấp lộ trình phát triển cơ sở hạ tầng cho năng lượng các bon thấp ở cấp khu vực cũng như quốc gia, nâng cao sự tin tưởng của doanh nghiệp với các cam kết được thực hiện.
Thứ ba, giải quyết các thất bại của thị trường như sự tồn tại các khoản trợ cấp tràn lan và thiếu định giá các bon, sẽ dẫn tới gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho năng lượng các bon thấp.
Thứ tư, phát hành các sản phẩm tài chính sáng tạo như các phương tiện mục đích sử dụng và trái phiếu xanh, hỗ trợ phát triển các thị trường mới với các cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp.
Thứ năm, thúc đẩy sự minh bạch của thị trường, hệ thống xếp hạng tín dụng và dữ liệu về đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng bằng cách hỗ trợ đối thoại công –tư thường xuyên.
Các quỹ của khu vực công thường giữ một vai trò quan trọng trong kích thích đầu tư tư nhân trên quy mô cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững. Đầu tư trực tiếp vào các dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng chỉ là một khía cạnh trong sự tham gia của chính phủ. Các hình thức khác như bảo lãnh tín dụng một phần cùng với các tổ chức tài chính quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong việc xúc tiến các khoản đầu tư của khu vực tư nhân để tạo thuận lợi cho tương lai của ASEAN.
Nguồn: Tuyết Minh/Báo Công Thương điện tử