menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành cơ khí: Giải bài toán tái cơ cấu

15:59 07/06/2017

Vinanet - Cơ khí là ngành đóng vai trò cơ sở, động lực cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Nhưng trong dòng chảy tái cơ cấu nền kinh tế, ngành cơ khí vẫn loay hoay với các bài toán “trọng điểm”, “thí điểm”.

Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam - cho biết, tính đến nay, hầu hết các văn bản pháp quy chủ chốt nhằm hỗ trợ, thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo (như Quyết định 186, Quyết định 10, Quyết định 1791) đều đã hết hiệu lực. Cùng với đó, “số phận” các DN sản xuất cơ khí cùng các sản phẩm của những DN này sẽ ra sao, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Cũng theo ông Thụ, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước phần nào đã đáp ứng được mong mỏi của nhiều DN chế tạo cơ khí. Tuy nhiên theo ghi nhận, nội dung của Chỉ thị 13 vẫn còn thiếu các cơ chế giám sát, chế tài bắt buộc bảo đảm thực thi có hiệu quả. Điều mà các DN cơ khí cần nhất hiện nay là việc làm và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt thị trường sản phẩm cơ khí nội địa trong bối cảnh kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng đang rất cần bảo vệ.
Trong tầm nhìn chiến lược của ngành cơ khí đến năm 2035, sản xuất cơ khí đáp ứng tối thiểu 70-75% nhu cầu thị trường nội địa, sản phẩm xuất khẩu chiếm 33% giá trị sản lượng. Từ tầm nhìn chiến lược này nổi lên 2 định hướng cơ bản: Một là, điều chỉnh mô hình tăng trưởng bằng việc tạo đủ việc làm trên cơ sở kết hợp với cơ cấu lại ngành theo thị trường. Hai là, phát triển các sản phẩm cơ khí ưu tiên gồm trang thiết bị ngành giao thông vận tải, chế biến nông, lâm, thủy sản, thiết bị toàn bộ, kết cấu thép kích thước, khối lượng lớn, độ chính xác cao.
Để phát huy các ưu thế của DN cơ khí nội địa, một số chuyên gia cho rằng, cần sớm hình thành một tổ chức trực thuộc Chính phủ nhằm định hướng phát triển, quản lý, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của các DN cơ khí trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Liên quan đến chính sách tạo vốn và thuế với ngành cơ khí chế tạo, nhất là chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu hiện đang tồn tại một chế độ thuế được xem là bất hợp lý đó là, trong khi thiết bị (kể cả vật tư đi kèm) của các dự án đầu tư của các nhà thầu nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam được miễn thuế thì các DN cơ khí trong nước nhập khẩu vật tư về chế tạo thay thiết bị nhập khẩu phải chịu hai loại thuế, gồm thuế nhập khẩu từ 5-20% và thuế giá trị gia tăng nhập khẩu 10%. Kết quả là sức cạnh tranh của các DN cơ khí Việt Nam ngày càng suy giảm. Bất cập này cần sớm được tháo gỡ nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và thắng thầu của các DN chế tạo cơ khí trong nước.
Nguồn: Quang Lộc/Báo Công Thương điện tử