menu search
Đóng menu
Đóng

Quy hoạch, phát triển thủy điện vừa và nhỏ- Bảo đảm an toàn, hiệu quả, bền vững

23:11 08/10/2017

Đập tràn thủy điện trên suối Nậm Công (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La)

Vinanet - Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về bảo đảm điện cho phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Bộ Công Thương tích cực tham mưu, xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo; rà soát quy hoạch, tăng cường kiểm tra, giám sát thủy điện một cách an toàn, hiệu quả, bền vững.
Siết chặt quản lý quy hoạch thủy điện
Theo Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ do Bộ Công Thương (trước đây là Bộ Công nghiệp) và UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo lập, cả nước có 824 dự án với tổng công suất đặt là 24.778 MW. Đến nay, 343 dự án (17.987 MW) đi vào vận hành; đang thi công xây dựng 165 dự án (3.348 MW); nghiên cứu đầu tư xây dựng 260 dự án (3.050 MW); còn lại 56 dự án (393,5 MW) chưa có chủ trương đầu tư. Đối với thủy điện nhỏ từ 1 – 30 MW, cả nước có 714 dự án (7.238 MW) nằm trong quy hoạch, trong đó, vận hành khai thác 270 dự án; thi công xây dựng 141 dự án; đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng 250 dự án; còn lại 53 dự án chưa có chủ trương đầu tư.
Ông Đỗ Đức Quân - Phó cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - cho biết, với hệ thống sông ngòi dày đặc, tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ ở nước ta rất lớn. Tuy nhiên, thủy điện vừa và nhỏ chỉ được phát triển nhanh chóng sau năm 2000 vì quy định của pháp luật như: Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, các nghị định và các thông tư hướng dẫn đã được hoàn thiện…
Cùng với sự phát triển hạ tầng giao thông, lưới điện, công nghệ, các văn bản trên đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để khuyến khích sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế vào thủy điện; đáp ứng đủ nguồn cung, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Thông tư số 43/2012/TT-BCT ra đời đã cơ bản giải quyết một số vướng mắc trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch và hướng dẫn đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án/công trình thủy điện, tạo sự thống nhất trong công tác quản lý theo thẩm quyền từ Bộ Công Thương đến các địa phương.
Dù vậy, trong quá trình phê duyệt, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, vì nhiều lý do như: Thiếu sự quan tâm, giám sát; năng lực hạn chế của cơ quan quản lý địa phương; năng lực tài chính, quản lý của chủ đầu tư còn hạn chế... đã khiến một số thủy điện vừa và nhỏ xảy ra sự cố, nhất là trong mùa mưa bão.
Thực hiện Nghị quyết số 62/2013/NQ-QH13 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 11/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát, loại bỏ 468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện (2.044 MW) do không bảo đảm hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội (chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ có công suất thấp).
Nhờ sự vào cuộc tích cực của Bộ Công Thương và các đơn vị, địa phương liên quan, đến nay, công tác quản lý thủy điện đi vào nền nếp, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng như các địa phương có thủy điện.
Giải pháp hiệu quả, bền vững
Trong Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 điều chỉnh, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng trên 6,7%/năm, đến năm 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của Việt Nam cần đạt 265-278 tỷ kWh và đạt 572-632 tỷ kWh vào năm 2030. Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, tổng công suất các nguồn thủy điện đạt khoảng 21.600MW; khoảng 24.600MW vào năm 2025 và 27.800MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng tương ứng là 29,5-20,5% và 15,5%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để đáp ứng yêu cầu trên trong bối cảnh đất nước hạn chế về nguồn lực tài chính, nguồn tài nguyên hóa thạch dần cạn kiệt, nguồn điện hạt nhân đã dừng… thì năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện vừa và nhỏ là giải pháp quan trọng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Đức Quân cho biết, Bộ Công Thương đã đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển bền vững và hiệu quả thủy điện nhỏ ở Việt Nam từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Theo đó, tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước (QLNN) đối với công tác quy hoạch, thiết kế, chất lượng xây dựng công trình, quản lý vận hành khai thác đối với thủy điện nhỏ trên quan điểm: Chỉ xem xét bổ sung quy hoạch đối với dự án thủy điện nhỏ bảo đảm hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường - xã hội; kiểm soát chặt chẽ từ khâu khảo sát, lập quy hoạch, dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, chất lượng xây dựng công trình và vận hành an toàn công trình thủy điện cho phù hợp với quy định mới và tình hình thực tế; có chế tài xử lý nghiêm minh với chủ đầu tư dự án thủy điện khi vi phạm; nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức QLNN đối với lĩnh vực thủy điện từ Trung ương đến địa phương.
Về giải pháp thực hiện, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện theo đúng yêu cầu đã được nêu ra trong Nghị quyết 62 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, đặc biệt, đối với các dự án thủy điện thuộc khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Trung Trung bộ; kiên quyết loại bỏ dự án ảnh hưởng đến đất rừng. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện và tuân thủ quy định của pháp luật như: Bảo đảm an toàn đập, môi trường, quản lý chất lượng công trình một cách chặt chẽ từ khâu thiết kế, giám sát, thi công, đặc biệt đối với dự án do tư nhân làm chủ đầu tư; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc quy định hiện hành về quản lý đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, cam kết bảo đảm môi trường... theo quy định.
Bộ Công Thương tăng cường, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện một cách bền vững; hài hòa giữa yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng với việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp...
Nguồn: Nhóm PV/Báo Công Thương điện tử