menu search
Đóng menu
Đóng

Tận dụng triệt để nguồn tro, xỉ, thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng

09:13 04/10/2017

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo

Vinanet - Để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện năng cho sản xuất và tiêu dùng với chi phí hợp lý thì việc phát triển các nhà máy điện sử dụng than sạch là rất cần thiết. Bên cạnh đó việc tận dụng nguồn tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện cũng cần được tận dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng... nhằm bảo vệ môi trường, tránh lãng phí nguồn nguyên liệu này.
Tro xỉ - nguồn tài nguyên lớn
Tại hội thảo “Sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay (3/10) tại TP. Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng - cho biết, trong thời gian qua phát triển điện luôn đi trước một bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Năm 2016 tổng sản lượng điện cả nước sản xuất và mua đạt 180 tỷ KWH điện. Công suất thủy điện trên 18 ngàn MW, chiếm 4,2% tổng công suất cung ứng điện; nhiệt điện than chiếm gần 15 ngàn MW, chiếm 3,4% tổng công suất cung ứng điện; nhiệt điện dầu 1.242 MW...
Theo Quy hoạch điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong giai đoạn 2016-2030: Điện thương phẩm năm 2020 khoảng 235-245 tỷ kWh; năm 2025 khoảng 352-379 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 506-559 tỷ kWh. Cũng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 248/QĐ-TTg tháng 5/2016), đến năm 2025 nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ lệ rất lớn trong cơ cấu nguồn điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than và đến năm 2030 tỉ lệ này vẫn là 53,2%.
“Trong bối cảnh trên, để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện năng cho sản xuất và tiêu dùng với chi phí hợp lý thì việc phát triển các nhà máy điện sử dụng than sạch là rất cần thiết”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Ông Phạm Xuân Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - thông tin, trong những năm qua, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, Việt Nam đã xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện. Mặt tích cực là các nhà máy nhiệt điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, tuy nhiên các nhà máy nhiệt điện đốt than trong quá trình vận hành tạo ra một lượng xỉ tro rất lớn cần xử lý.
Ông Bắc cho biết, cả nước hiện có 21 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh dự kiến đến 2030 cả nước có 57 nhà máy nhiệt điện hoạt động. Bộ Xây dựng cũng tính toán, đến cuối năm 2017 lượng xỉ tro, thạch cao tồn chứa trên cả nước khoảng 40 triệu tấn và hàng năm thải ra trên 15 triệu tấn. Dự kiến nếu các nhà máy được đầu tư theo quy hoạch thì lượng xỉ tro thải ra không xử lý đến năm 2018 là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn và đến 2025 là 248 triệu tấn và đến 2030 là 422 triệu tấn.
Riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 3 cụm nhiệt điện chính sử dụng công nghệ đốt than phun PC (nhiệt điện Duyên Hải, nhiệt điện Long Phú và nhiệt điện Sông Hậu), mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro xỉ. Cũng theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự kiến đến 2020 sẽ có thêm các nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, 2; Sông Hậu 1, 2; Duyên Hải III mở rộng hoạt động nâng tổng công suất phát điện lên 5.505 MW, mỗi năm thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao. Từ sau năm 2020-2030 sẽ có thêm 9 nhà máy hoạt động nâng tổng công suất phát điện lên 18.225MW, mỗi năm thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.
Với lượng tro xỉ thạch cao khi xử lý phải dùng diện tích đất lớn để làm bãi chứa, gây áp lực lên môi trường... Vì thế việc đẩy mạnh xử lý lượng tro, xỉ, thạch cao là yêu cầu cấp thiết.

 

Cần tận dụng hiệu quả nguồn tro, xỉ
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay có 3 hướng sử dụng tro xỉ đó là dùng sản xuất xi măng (dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 30% lượng tro xỉ), san lấp mặt bằng kỹ thuật (khoảng 45%), và thay thế các sản phẩm đất sét sản xuất gạch không nung chiếm khoảng 10%. Nếu Việt Nam làm tốt thì trong thời gian đầu sẽ giải quyết được khoảng 30% lượng tro xỉ hiện nay trên thị trường.
Ông Peter Rush, Chuyên gia STEAG (Đức) - chia sẻ, xu hướng sử dụng tro xỉ để sản xuật vật liệu xây dựng là xu hướng chung của thế giới. Chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam nâng quy chuẩn trong việc dùng tro xỉ dùng để sản xuất vật liệu xây dựng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng làm từ tro xỉ qua đó phục vụ xuất khẩu.
Dù vậy nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng tro xỉ vào sản xuất vật liệu xây dựng vẫn còn nhiều vướng mắc như: Tâm lý DN còn e dè vì sợ tro xỉ là chất thải nguy hại, thủ tục vẫn còn phức tạp...
Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) của Quốc hội cho rằng, muốn khuyến khích sử dụng tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam, cần đơn giản hóa thủ tục, giấy phép, quản lý như với chất thải thông thường, giảm bớt chi phí cho DN nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Trước những vướng mắc trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: Bộ Công Thương đã và đang tập trung chỉ đạo để phát triển các nhà máy nhiệt điện than gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng loại bỏ các nhà máy điện có công nghệ cũ để bảo vệ môi trường. Bộ Công Thương cũng yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than cần hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động, hệ thống khí thải, nước thải. Các nhà máy nhiệt điện than đang đi vào hoạt động phải hoàn thiện đề án sử dụng tro xỉ trình Bộ Công Thương trước ngày 31/12/2018. Đồng thời phê duyệt các nhà máy nhiệt điện than dùng công nghệ tiên tiến... để sớm tận dụng được nguồn nguyên liệu này hiệu quả.
Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Bùi Phạm Khánh - khẳng định, Bộ này sẽ tiếp tục hoàn thành tiêu chuẩn quy chuẩn, cùng Bộ Tài Nguyên và Môi trường rà soát lại các quy định, nghị định về tro xỉ để hỗ trợ các DN tiếp cận tận dụng đưa vào sản xuất vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu vấn đề sử dụng tro xỉ tại các nháy nhiệt điện, các đề án xây dựng xử lý, các cơ quan nhà nước quan tâm đến việc sử dụng nguồn nguyên liệu mới tro xỉ trong các công trình xây dựng.
Bộ Xây dựng hiện đang hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro, xỉ trong sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2017, đầu năm 2018. Mục tiêu đặt ra như đã được nêu tại Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2020 xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích luỹ, dự kiến khoảng 56 triệu tấn tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện và 2,5 triệu tấn thạch cao.
Nguồn: Ngọc Thảo - Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử