Những năm qua, Bộ Công Thương đã bám sát định hướng của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn và đã đạt một số kết quả tích cực.
Doanh nghiệp trong nước nâng cao trình độ sản xuất
Cụ thể, lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí luôn nắm vị trí dẫn dắt, đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp nói chung. Trong 4 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực chế biến chế tạo duy trì đà tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng chỉ số phát triển công nghiệp – IIP).
Hoạt động công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như ngành dệt may - da giầy đạt 45-50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, cắt giảm chí phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia, tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Cùng với phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, các sản phẩm chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, đóng góp ngày càng cao vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2023, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu lên đến hơn 85%. Với giá trị lớn, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chế biến, chế tạo đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước thời gian qua.
Về công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được hàng loạt các loại máy gieo trồng và thu hoạch, góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trên 90% số máy xay xát lúa, đánh bóng gạo, máy sấy là do các doanh nghiệp trong nước chế tạo đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đã được xuất khẩu đi các nước ASEAN, Châu Mỹ, Châu Phi. Ngoài ra, còn có nhiều dây chuyền thiết bị chế biến cà phê và hạt điều.
Mặc dù vậy, thực tế triển khai các chính sách cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn từ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ khâu thiết kế chính sách cũng như năng lực hấp thụ của doanh nghiệp,…
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai cụ thể nhiều giải pháp. Cụ thể, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy và phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có thể kể đến: Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025; Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 03/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ;Trình Chính phủ ban hành Nghị định 32/NĐ-CP ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp tại các địa phương, góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng triển khai tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT kết nối với các tập đoàn đa quốc gia để tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung cấp cho các tập đoàn này tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài; Liên kết, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT; Triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ, vận hành hiệu quả Chương trình phát triển CNHT; Triển khai xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật (trên cơ sở tham khảo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nói chung, doanh nghiệp CNHT, cơ khí nói riêng để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị, đáp ứng yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bám sát triển khai các nhiệm vụ được giao
Xác định các vấn đề còn tồn tại trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm để tạo nền tảng pháp lý thống nhất, vững chắc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; Nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035 (tập trung công nghiệp hỗ trợ các ngành điện tử thông minh, ô-tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may-da giày); có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp FDI liên kết doanh nghiệp quốc gia, thành lập các liên minh sản xuất, tạo hệ thống nhà cung ứng tại chỗ và nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ; Triển khai hiệu quả Nghị định 32/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp nhằm khai thác tối đa thế mạnh từng địa phương, phục vụ thiết thực nhu cầu phát triển CNHT, nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia từ Trung ương đến địa phương để tập trung phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên như vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ, các ngành Việt Nam có lợi thế sử dụng lao động và xuất khẩu; Nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ, vận hành hiệu quả Chương trình phát triển CNHT;
Đồng thời, đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo hướng gắn liền với yêu cầu nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa hóa; ban hành chính sách ưu đãi về tín dụng, tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và nguồn tài chính hiệu quả để thúc đẩy khoa học và công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp CNHT, trong đó có doanh nghiệp cơ khí, thông qua các giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nhất là công nhân kỹ thuật; hỗ trợ công tác nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ; Tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh), cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam; từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTAs đã ký kết; Triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm CNHT, công nghiệp cơ khí trong nước, gắn với chú trọng phát triển các ngành ưu tiên như ô-tô, cơ khí nông nghiệp, đường sắt; hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cơ khí, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và khai thác các thị trường tiềm năng ở ASEAN, Châu Phi, Tây Á.
Nguồn:moit.gov.vn