menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường EU 6 tháng đầu năm 2024

16:22 27/07/2024

Trong các thị trường nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam thì châu Âu được đánh giá là một trong những thị trường rộng lớn, tiềm năng nhưng cũng rất khó tính.

 

I. TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU HÀNG DỆT MAY CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG EU 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024 

1. Đánh giá tổng quan tình hình xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế Việt Nam duy trì xu hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan, thu hút vốn đầu tư FDI tăng cao, lạm phát trong tầm kiểm soát. Dự kiến xuất khẩu sẽ tiếp tục là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2024.

Dệt may là một trong các nhóm hàng xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong các thị trường nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam thì châu Âu được đánh giá là một trong những thị trường rộng lớn, tiềm năng nhưng cũng rất khó tính. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 16,52 tỷ USD, tăng 5,04% so với 6 tháng đầu năm 2023; Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may sang EU chiếm 11,54% trong tổng kim ngạch, đạt gần 1,93 tỷ USD, tăng 2,76%.

2. Cơ cấu thị trường thành viên theo kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam

Trong 6 tháng đầu năm 2024, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang 26 thị trường trong khối EU; trong đó, Hà Lan và Đức là 2 thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm 48,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang khối EU. Trong đó, xuất khẩu sang Hà Lan nhiều nhất đạt gần 565,29 triệu USD, tăng 19,97% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 29,33% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU; riêng tháng 6/2024 xuất khẩu sang thị trường Hà Lan đạt 124,99 triệu USD, tăng 6,51% so với tháng 5/2024 và tăng 35,79% so với tháng 6/2023. Xuất khẩu sang thị trường Đức 6 tháng đạt gần 363,65 triệu USD, giảm 18,26% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 18,87%; riêng tháng 6/2024 đạt 87,48 triệu USD, tăng 24,3% so với tháng 5/2024 nhưng giảm 8,46% so với tháng 6/2023.

Trong số 26 thị trường xuất khẩu hàng dệt may trong khối EU 6 tháng đầu năm 2024; thì có 6 thị trường lớn đạt kim ngạch trên 100 triệu USD; ngoài 2 thị trường lớn nhất là Hà Lan và Đức nói trên, tiếp theo là các thị trường như: Tây Ban Nha đạt gần 252,35 triệu USD, giảm 0,13% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 13,09% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU; Bỉ đạt gần 206,17 triệu USD, tăng 6,75%, chiếm 10,7%; Pháp đạt trên 206,01 triệu USD, tăng 3,3%, chiếm 10,69%; Italia đạt gần 159,29 triệu USD, tăng 1,63%, chiếm 8,26%.

3. Cơ cấu chủng loại hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU

Trong số các chủng loại hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường EU 6 tháng đầu năm 2024, thì xuất khẩu được nhiều nhất là các loại quần áo và hàng may mặc phụ trợ không dệt kim hoặc móc (mã HS 62), đạt trên 930,27 triệu USD, chiếm 48,26% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU. Đứng thứ hai về kim ngạch là các loại quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc (mã HS 61) đạt giá trị trên 743,2 triệu USD, chiếm 38,56% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU. 

Xét về từng nhóm hàng cụ thể trong nhóm HS61 và HS62 thì kim ngạch cao nhất là mã HS 620140 (Áo khoác ngoài, áo mưa, áo choàng mặc khi đi xe, áo choàng không tay, áo khoác không tay, áo choàng ponchos, áo khoác dạ trùm qua hông, áo khoác dạ dáng dài, áo khoác có mũ trùm đầu, áo khoác kiểu duffel, áo khoác mỏng (trench coats), áo khoác bằng vải gabardines và áo khoác ghi lê có đệm làm từ sợi nhân tạo), đạt 117,17 triệu USD, giảm 10,15% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 6,15% trong tổng kim ngạch và được xuất khẩu sang 23/26 thị trường.

II.TÌNH HÌNH NHẬP KHẨU HÀNG DỆT MAY CỦA EU TỪ CÁC THỊ TRƯỜNG TRÊN THẾ GIỚI

Theo số liệu thống kê của Trademap, kim ngạch nhập khẩu các loại quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc (mã HS 61) 3 tháng đầu năm 2024 vào thị trường EU đạt gần 22,97 tỷ USD, giảm 7,95% so với cùng kỳ năm 2023. 

Thị phần hàng dệt may của Việt Nam chỉ chiếm 3,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của EU nên dư địa cho Việt Nam còn rất lớn, nhất là khi Việt Nam có lợi thế về EVFTA nếu đáp ứng đủ được các cam kết trong Hiệp định.

Trong số 27 thị trường thuộc khối EU tham gia nhập khẩu nhóm hàng dệt may mã HS61 trong 3 tháng đầu năm 2024, thì Đức là thị trường nhập khẩu nhiều nhất, với gần 5,14 tỷ USD, giảm 10,29% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 22,38% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mã hàng này của toàn khối EU. 

Tiếp đến thị trường Pháp đạt gần 2,81 tỷ USD, giảm 10,77%, chiếm 12,22%; thị trường Tây Ban Nha đạt trên 2,33 tỷ USD, giảm 3,6%, chiếm 10,15%; Hà Lan đạt gần 2,32 tỷ USD, giảm 2,39%, chiếm 10,09% trong tổng kim ngạch.

Nhóm hàng dệt may nhập khẩu lớn thứ 2 về kim ngạch vào thị trường EU là các loại quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc (mã hàng HS62), sản phẩm này của Việt Nam cũng mới chỉ chiếm khoảng 2% tại thị trường EU. 

Theo số liệu thống kê từ TradeMap, 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này vào thị trường EU đạt trên 23,43 tỷ USD, giảm 5,36% so với cùng kỳ năm 2023 và hầu hết các thị trường lớn đều giảm kim ngạch nhập khẩu. 

III. ĐÁNH GIÁ TRIỂN VỌNG VÀ DỰ BÁO

Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may sang EU nửa cuối năm 2024 sẽ phục hồi khi vào mùa nghỉ lễ (Giáng sinh, Tết dương lịch). Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong ngành cũng tỏ ra thận trọng, bởi lạm phát tại EU đã giảm nhẹ trong những tháng gần đây, nhưng người tiêu dùng vẫn có xu hướng thận trọng trong chi tiêu tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may. Do đó, xuất khẩu chỉ tăng trưởng nhẹ. Mục tiêu được ngành dệt may đặt ra trong năm 2024 là sẽ xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023, để thực hiện mục tiêu này, từ nay tới năm 2030, ngành dệt may sẽ phải chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn năm 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

 

 

 

 

Nguồn:Vinanet/VITIC