menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 2 tháng đầu năm

17:00 12/03/2021

Chiều ngày 12/3/2021, Bộ Công Thương tổ chức buổi họp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021. 
 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương - chủ trì buổi họp báo. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại buổi họp báo

Thương mại duy trì đà tăng tích cực

Thông tin chung tại buổi họp báo,  Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, 2 tháng đầu năm 2021, so với diễn biến chung của thế giới thì kinh tế, thương mại Việt Nam vẫn duy trì được đà tích cực hơn. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD).
Về thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 5,4% so với tháng 1/2020 nhưng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Để bảo đảm mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 (số 28/TB-VPCP ngày 17 tháng 02 năm 2021); Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 19 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) cho các địa phương vùng có dịch (đặc biệt là tỉnh Hải Dương) và các tỉnh giáp ranh.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương luôn chú trọng đến nguồn cung hàng hóa cơ bản, thiết yếu và hàng hóa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như khẩu trang, nước sát khuẩn để phục vụ thị trường địa phương. Theo báo cáo của các địa phương, thị trường cơ bản không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung hàng hóa luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch bệnh Covid-19.
Quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”
Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong tháng 3 và những tháng tiếp theo của năm 2021, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
Một là, quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh;
Hai là, dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.
Ba là, đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.
Bốn là, tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án năng lượng, công nghiệp có quy mô lớn; bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.
Năm là, tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp cụ thể, hiệu quả hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nông sản tại các địa phương có dịch Covid-19.
Sáu là, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch….

Nguồn:VITIC