menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử

14:42 23/07/2018

Vinanet - Thẳng thắn, quyết liệt chỉ ra 9 vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương thời gian qua, tại cuộc họp diễn ra chiều ngày 19/7, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ sâu sát, chủ động triển khai các nhiệm vụ, quyết tâm trở thành Bộ Công Thương điện tử trong thời gian tới.

Cùng tham dự buổi làm việc chiều ngày 19/7/2018 còn có Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Xuất nhập khẩu...

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, trên thực tế, thời gian vừa qua, Bộ đã có những bước phát triển, đạt kết quả nhất định trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Bộ Công Thương cũng được đánh giá là đi đầu trong việc triển khai một số dịch vụ công (DVC) mức cao, trong đó có nhiều DVC cấp độ 3, 4... Tuy nhiên, Bộ trưởng thẳng thắn nhận xét, chúng ta vẫn còn có những hạn chế. Đặc biệt, sau một thời gian triển khai đã có dấu hiệu thiếu sự quan tâm trong việc đôn đốc thực hiện của một số đơn vị.

Bộ trưởng cho biết, cuộc họp hôm nay nhằm tổ chức đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là sau khi có kết quả đánh giá của Hội Truyền thông số xếp hạng về Chính phủ điện tử (CPĐT) tại các Bộ, ngành, trong đó có nêu vị trí thứ hạng thấp của Bộ Công Thương. "Đây là điều đáng buồn và không thể chấp nhận được trong bối cảnh chúng ta đang cải cách hành chính (CCHC), xây dựng CPĐT hiện nay" - Bộ trưởng khẳng định.

Nhấn mạnh rằng “Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, không lơ là được”, Bộ trưởng đã yêu cầu đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Lãnh đạo các đơn vị liên quan báo cáo một cách trực diện, thực chất các công việc triển khai từ đầu nhiệm kỳ, những kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, với tinh thần cầu thị, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, định hướng khắc phục thời gian tới. Trong đó, Bộ trưởng đặc biệt yêu cầu nghiêm túc đánh giá trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu và đơn vị phụ trách trong triển khai nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng CNTT và CPĐT tại Bộ.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công Thương không cải cách vì thứ hạng nhưng việc xếp ở thứ hạng thấp là điều tất cả chúng ta phải nhìn nhận lại. Đánh giá về nguyên nhân, Thứ trưởng nhận định, chúng ta đang thiếu một kiến trúc sư cho tổng thể các hoạt động về ứng dụng CNTT, CPĐT của Bộ. Chúng ta đặt ra nhiều kế hoạch nhưng ai xâu chuỗi, ai giám sát trong quá trình triển khai một cách tổng thể; bên cạnh đó, kinh nghiệm khi triển khai CNTT có rào cản lớn từ thói quen, từ quy trình, nghiệp vụ; tính kết nối cũng là khó khăn vì Bộ gồm nhiều lĩnh vực quá rộng lớn... nếu cấu trúc không rõ ra thì sẽ rất chồng chéo, khó triển khai.

Thứ trưởng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phân tích kỹ lại các nhiệm vụ cần triển khai, những việc gì cần làm phải phân chia theo các mốc thời gian ngắn hạn, trung hạn rồi đến dài hạn, phân ra từng mục tiêu một. Cần chú ý công tác phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để triển khai nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo các đơn vị đã thảo luận kỹ và sâu các nội dung, kết quả triển khai về ứng dụng CNTT và xây dựng CPĐT tại Bộ thời gian qua.

Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiệm vụ này từ nhiệm kỳ trước, tiếp tục đẩy mạnh trong giai đoạn 2016 – 2020. Bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị xây dựng kế hoạch tổng thể về ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, xây dựng hệ thống DVC trực tuyến, CPĐT, ban hành các hướng dẫn cụ thể về việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, mặc dù nội dung xây dựng rất đồng bộ, đảm bảo cấu trúc của CPĐT trên nền tảng ứng dụng CNTT, đảm bảo yêu cầu của môi trường kiến tạo, cải cách, hướng tới hỗ trợ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp…lại chưa thực hiện một cách đồng bộ, thiếu trách nhiệm đôn đốc của người đứng đầu nên hiệu quả chưa cao.

Qua rà soát, đánh giá, Bộ trưởng nêu 9 vấn đề còn tồn tại hiện nay là:

Một là, có cả thể chế, bộ máy để chỉ đạo, điều hành xây dựng CPĐT và có Ban chỉ đạo của Bộ nhưng suốt 2 năm qua không có cuộc họp nào. Điều này thuộc trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ và đơn vị đầu mối khi không có Báo cáo, không tổ chức kiểm tra, đánh giá thì không cập nhật và nắm bắt tình hình chung.

Hai là, trong các kế hoạch ban hành, tỷ lệ và khối lượng thực hiện được rất thấp, trừ Cổng DVC trực tuyến và các thủ tục hành chính công trực tuyến đã hoàn thành ở cấp độ 3 và 4, một số ở cấp độ 2, còn lại chưa làm hoặc làm rồi nhưng tính ứng dụng và hiệu quả chưa cao.

Ba là, DVC trực tuyến Bộ triển khai ở cấp độ 3 và 4, một số ở cấp độ 2 nhưng hiệu quả thực tế chưa cao.

Bốn là, các phần mềm quản lý chuyên ngành chưa tốt, chưa xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Năm là, Các hoạt động ứng dụng CNTT như thư điện tử, quản lý văn bản đã xây dựng, có cả quy chế thực hiện nhưng do thiếu đôn đốc, kiểm tra thực hiện, đến nay, sau một thời gian lại trở về tình trạng vừa xử lý bằng văn bản giấy vừa xử lý văn bản điện tử.

Sáu là, hạ tầng CNTT phục vụ ứng dụng CNTT và xây dựng CPĐT chưa đảm bảo.

Bảy là, chưa ban hành đầy đủ quy trình, quy chuẩn, quy chế liên quan đến quản lý, xử lý văn bản; hướng dẫn các DVC chưa ban hành… do đó không đồng bộ hóa với việc xây dựng CPĐT.

Tám là, nguồn nhân lực còn hạn chế, đào tạo cán bộ chuyên trách chưa đảm bảo…

Chín là, hệ thống cơ sở dữ liệu còn hạn chế ảnh hưởng nhiều đến chính sách cũng như việc khai thác hiệu quả phục vụ yêu cầu phát triển, nhất là môi trường kiến tạo.

Theo Bộ trưởng, 9 vấn đề này không chỉ là tồn tại của Bộ Công Thương mà nhiều Bộ, ngành cũng đang gặp phải. Điều đáng nói ở đây là trong 9 vấn đề này, có nhiều nội dung mang tính chủ quan, thuộc về trách nhiệm của chính chúng ta.

Bộ trưởng khẳng định quyết tâm: Bộ Công Thương phải trở thành một trong những Bộ đầu tiên theo CPĐT, trở thành Bộ Công Thương điện tử trong thời gian tới.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát lại toàn bộ các văn bản Bộ ban hành, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng CPĐT, rà soát với các yêu cầu của Chính phủ trong việc xây dựng CPĐT, gắn kết trong tổng thể chung về Chính phủ kiến tạo trên nền tảng cải cách hành chính, cải cách thể chế, tinh giản bộ máy… về xây dựng CPĐT và CNTT. Phải kiến trúc được mô hình của CPĐT trong giai đoạn tới đây với những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong năm 2018 – 2020 và kế hoạch của từng năm trong giai đoạn này; xây dựng hạ tầng CNTT đảm bảo tính kết nối, liên thông, an toàn, hiệu quả, có tính kết nối với các đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị sự nghiệp công lập, các Tập đoàn, Tổng công ty, liên kết với CPĐT của Chính phủ và các Bộ, ngành khác; Có kế hoạch cụ thể khắc phục những tồn tại liên quan đến chất lượng và tốc độ của những DVC trực tuyến…

Bộ trưởng chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số làm việc với Văn phòng Bộ củng cố và hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của Bộ, tích hợp tất cả thông tin trong tất cả lĩnh vực, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ, thông qua ứng dụng CNTT, phải đảm bảo hoạt động của Cổng hiệu quả, trở thành kênh truyền thông phục vụ tốt cho nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Một số những nhiệm vụ cụ thể liên quan đến CPĐT về chữ ký số, giao dịch điện tử…, Bộ trưởng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Văn phòng Bộ và các đơn vị khẩn trương rà soát và đưa vào Chương trình công tác của Bộ giai đoạn tới, đảm bảo các hoạt động của Bộ sắp tới từng bước điện tử hóa, số hóa, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ trưởng chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số soạn thảo văn bản quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Bộ về xây dựng CPĐT và ứng dụng CNTT do Bộ trưởng là Trưởng Ban, 02 Thứ trưởng là Phó Ban (Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và Thứ trưởng Đặng Hoàng An), Thủ trưởng các đơn vị là thành viên, trong đó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là thường trực của Ban chỉ đạo. Bộ trưởng yêu cầu trước ngày 10/8/2018, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phải hoàn thành, trình Bộ trưởng ký ban hành, sau đó Bộ sẽ tổ chức triển khai thực hiện.

Nguồn: Hồng Hạnh/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương