menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương sẽ đi đầu trong tái cơ cấu gắn với kiện toàn tổ chức

11:02 15/11/2016

Người đứng đầu ngành Công Thương - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng sáng 14/11.

Theo thống kê trên Hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi và qua rà soát với Văn phòng Chính phủ, tổng số nhiệm vụ giao Bộ Công Thương từ ngày 01/01/2016 đến ngày 05/11/2016 là 486 nhiệm vụ (bao gồm cả nhiệm vụ giao trong văn bản quy phạm pháp luật, văn bản mật, tối mật, tuyệt mật và trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao của Bộ Công Thương như sau:

- Tổng số nhiệm vụ được giao: 486

- Số nhiệm vụ đã hoàn thành: 286

- Số nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng trong hạn (bao gồm cả các nhiệm vụ đã và tiếp tục triển khai thực hiện nhưng không yêu cầu trả lời bằng văn bản): 187.

Như vậy, hiện, Bộ Công Thương còn khoảng 13 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng đang được gấp rút thực hiện.

Bộ Công Thương đã và đang hết sức nỗ lực triển khai các nhiệm vụ chưa hoàn thành đúng thời hạn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ. Nguyên nhân chính là do nhiều nội dung nhiệm vụ được giao có phạm vi rộng, tính chất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị; nhiều nhiệm vụ cần phải lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nên mất nhiều thời gian. Trong nhiều trường hợp các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị phối hợp chưa thực hiện đúng thời hạn yêu cầu nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhiệm vụ.

Bộ Công Thương hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ Chính phủ giao

Qua quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ  được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thời gian qua, Bộ Công Thương nhận thấy trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ nói chung và thực thi các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nói riêng thời gian qua thì yếu tố thuận lợi là cơ bản. Đặc biệt là sau khi Chính phủ khóa XIV được kiện toàn và đi vào hoạt động với tinh thần mạnh mẽ của một Chính phủ hành động, liêm chính chính, kiến tạo phát triển, nói đi đôi với làm. Theo đó, các thông điệp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng, rõ đối tượng, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn phải giải quyết..., qua đó vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, vừa đòi hỏi nâng cao kỷ cương, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cán bộ ở các Bộ, ngành, địa phương.

Quá trình cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian xử lý công việc của các cơ quan hành chính của Chính phủ nói chung và ở Bộ Công Thương nói riêng. Cải cách hành chính với những nội dung trọng tâm gắn liền với cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử cũng đã được Bộ Công Thương quán triệt, kiên trì quyết tâm thực hiện và đã cho thấy những tác dụng thiết thực trong việc giải quyết, xử lý công việc của Bộ thời gian qua. Thông qua cải cách thể chế, rà soát, loại bỏ các qui định không còn phù hợp và điều chỉnh các qui định chưa thực sự hợp lý để hướng tới tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh đã góp phần giảm dần một cách bền vững khối lượng công việc sự vụ mà Bộ phải giải quyết. Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính và  đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử ở Bộ Công Thương thời gian qua đã từng bước rút ngắn thời gian xử lý công việc, tạo thuận lợi hóa cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận các dịch vụ công của Bộ Công Thương.

Đến nay, 100% dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương được thực hiện ở mức độ 2 trở lên. Trong số 130 dịch vụ công đã có 26 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3 và 4, chiếm 20% tổng số dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương. Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2016 sẽ có 77 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở cấp độ 3 và 4, chiếm 60% tổng số dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, nhiều qui định trong các văn bản pháp lý thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương đã  được loại bỏ và tới đây sẽ tiếp tục được xem xét, loại bỏ (Ví dụ như: Các qui định về kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may nhập khẩu tại Thông tư số 37/2015/TT-BCT, qui định về chứng nhận khai báo hóa chất theo Thông tư số 40/2011/TT-BCT, qui định về chứng nhận dán nhãn năng lượng theo Thông tư số 07/2012/TT-BCT...) chắc chắn sẽ tiếp tục góp phần làm giảm số lượng văn bản giấy tờ mang tính sự vụ cần giải quyết, thay vào đó là các biện pháp quản lý nhà nước hữu hiệu hơn.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi là cơ bản như nêu trên, Bộ Công Thương cũng nhận thấy còn một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thời gian qua như sau:

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp, tình hình trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán...; quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam bước vào những giai đoạn mới, sâu rộng và thực chất hơn; điều này đòi hỏi Chính phủ nói chung và các Bộ, ngành nói riêng phải thực sự đổi mới, phải nhanh chóng nâng cao được chất lượng, hiệu quả hoạt động mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ công chức ở một số đơn vị còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng đã tạo nên khó khăn, thách thức không nhỏ trong xử lý công việc được giao.

Nhiều nội dung nhiệm vụ được giao có phạm vi rộng, tính chất phức tạp, đòi hỏi phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị ở trong và ngoài Bộ để xử lý, song thời gian yêu cầu phải giải quyết ngắn, tạo áp lực lớn về thời gian và chất lượng hoàn thành công việc. Trong một số trường hợp, việc xử lý các văn bản, nhiệm vụ được giao ở một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương vẫn còn tình trạng chậm trễ.

Trong một số trường hợp, văn bản được đề nghị xử lý với thời hạn quá gấp hoặc thời gian ghi trên văn bản với thời gian thực tế văn bản gửi tới Bộ có sự chênh lệch khá dài, nên mặc dù đã thực hiện các biện pháp trao đổi, xử lý công việc nhanh qua hệ thống văn bản điện tử của Bộ nhưng vẫn khó đáp ứng được thời hạn yêu cầu.

Trong quá trình triển khai hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi liên thông từ Văn phòng Chính phủ đến Bộ Công Thương, số lượng và tiến độ các Văn bản được Văn phòng Chính phủ thông báo tới Bộ đôi khi còn có sự sai lệch so với số liệu cập nhật trên hệ thống.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo trước Tổ công tác của Chính phủ

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, mặc dù tình hình giải quyết, xử lý những nhiệm vụ được giao của Bộ Công Thương đã có những chuyển biến tích cực trên thực tế, tuy nhiên, đối với những vấn đề còn chậm trễ trong tiến độ, Bộ Công Thương đã xác định rõ nguyên nhân, trong đó phải thừa nhận có đơn vị chưa thực sự năng động, dẫn đến một số vấn đề chỉ mang tính khách quan, tuy nhiên không chủ động tìm hướng giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Bên cạnh đó, khi xây dựng chương trình công tác, nhiều khi không lường hết mức độ phức tạp dẫn đến việc xây dựng chưa đến được tầm, đụng chạm về quan điểm với một số Bộ, ngành khác.

Đối với 08 vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất để đổi mới và phát triển.

Bộ Công Thương cũng đã thống nhất quan điểm tái cơ cấu đi đôi với chất lượng, kiện toàn bộ máy cán bộ. Việc tái cơ cấu cán bộ sẽ được triển khai quyết liệt và đồng bộ. “Bộ Công Thương sẽ là Bộ đi đầu trong tái cơ cấu một cách hiệu quả, đi kèm với đó là cải cách hành chính, thể chế, con người”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Trước ý kiến đưa ra cho rằng, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã buông lỏng trong nhiều lĩnh vực. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, điều này có ý đúng nhưng không phải phổ biến. Bởi, theo nhận định của các thành viên trong Tổ công tác Chính phủ, những thành tựu mà ngành Công Thương đã làm được “không phải là nhỏ”. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận định “Sai ở đâu, sửa ở đó, thiếu ở đâu, bổ sung ở đó”. Bộ Công Thương không chỉ dừng ở kiểm điểm mà tìm ra biện pháp khắc phục.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, việc chậm lên sàn của Sabeco và Habeco có nhiều lý do khác nhau bởi việc thoái vốn của hai đơn vị này rất phức tạp. Bộ Công Thương đã xây dựng chỉ thị thực hiện cổ phần hóa, đảm bảo việc thoái vốn được diễn ra một cách hiệu quả, công khai, minh bạch nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên được thương hiệu và lợi ích của Nhà nước.

Đối với lĩnh vực cải cách hành chính, đảm bảo môi trường kinh doanh, Bộ Công Thương đã thực hiện thành công cơ chế một cửa quốc gia. Lãnh đạo Tổng Cục hải quan đã thừa nhận những hiệu quả mà Bộ Công Thương mang lại. Rút ngắn nhiều thời gian cho hoạt động của các doanh nghiệp. Ngoài ra, năm 2016, Bộ cũng đã thực hiện cải cách các thủ tục hành chính ở cấp độ 3, 4. Đây là mức rất cao so với các Bộ, ngành khác.

Về lĩnh vực bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương  cũng rất quyết liệt. Sự quyết liệt đó được thể hiện ở chỗ, chỉ trong thời gian rất ngắn, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành đã có 02 chỉ thị và một chương trình công tác đột xuất để thanh kiểm tra về vấn đề bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Kết quả, từ đầu năm đến nay đã có 25 doanh nghiệp bị rút giấy phép kinh doanh. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu hình sự, Bộ Công Thương cũng đã chuyển cho cơ quan công an kiểm tra và xử lý.

Những biện pháp khắc phục, đổi mới mà Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ, Bộ Công Thương sẽ hành động với một tinh thần mới, kiện toàn, nâng cao đội ngũ, đổi mới cả về nội dung và hình thức trong công tác quản lý của Ngành theo đúng tinh thần của một Chính phủ kiến tạo.

Nguồn: Quyên Lưu/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương