menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm

09:44 10/07/2018

Vinanet - Sáng ngày 09/7/2018, Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm của ngành Công Thương đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Cùng tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An và Lãnh đạo các Vụ, Cục, các đơn vị thuộc Bộ.
6 tháng đầu năm: Kết quả toàn diện mọi mặt
Báo cáo tóm tắt về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm của ngành Công Thương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng cho biết, 6 tháng đầu năm 2018 GDP cả nước ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79%), là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng (tăng 10,5%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ, là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (tăng trên 9%).
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017 (thấp hơn mức tăng 19,4% của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016), bằng 48% kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% (cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 tăng 16,3%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 tăng 20,7%).
Tính đến hết tháng 6 năm 2018, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD), hàng dệt, may (13,42 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD).
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 46 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65,21 tỷ USD, tăng 8,1%.
Về thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm, các mặt hàng nông sản thực phẩm như rau củ sản xuất thuận lợi, nguồn cung tăng nên giá tương đối thấp. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống giá tăng nhẹ trong tháng 2 do trùng với dịp Tết Nguyên đán, sau đó đã giảm trở lại trong tháng 3.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 2.120.895 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó các nhóm lương thực, thực phẩm và lưu trú ăn uống tăng lần lượt 11,3% và 9,6% , trong đó các nhóm lương thực, thực phẩm và lưu trú ăn uống tăng lần lượt 11,3% và 9,6%, đây là 02 nhóm có đóng góp chính vào mức tăng chung (mức tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn - 75,3% và 12,3%); nhóm dịch vụ tăng 7,3%; riêng nhóm du lịch năm nay có sự biến động đặc biệt khi tăng tới 19,5% so với năm trước cho thấy sự ảnh hưởng của sự phục hồi kinh tế và nỗ lực phát triển của ngành du lịch. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng tăng khoảng 8,3%, đây là mức tăng khá tốt trong thời gian khá dài gần đây (TMBL 6 tháng đầu năm loại trừ yếu tố tăng giá từ năm 2011 đến 2017 thường tăng quanh mức 4,8-8,4%, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015 tăng 8,8%). Điều này cho thấy sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt.
Với những kết quả đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, 6 tháng đầu năm, với sự nỗ lực của toàn Ngành, các kết quả đạt được toàn diện trên mọi mặt, các ngành hàng đều có sự tăng trưởng tích cực, rất đáng ghi nhận. Bộ trưởng nhấn mạnh, ngoài sự đóng góp tích cực từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
6 tháng cuối năm: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực
Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, ngành Công Thương xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2018, gồm:
Một là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp
(1) Tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;
(2) Đẩy nhanh công tác xây dựng hoàn thiện thể chế;
(3) Đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành Công Thương, đặc biệt là cơ cấu lại một cách thực chất ngành công nghiệp nhằm tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...
(4) Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công Thương...
(5) Tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có điều hành linh hoạt kịp thời và hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai phương án sản xuất kinh doanh tối ưu...
Hai là, khơi thông thị trường xuất khẩu
Kiên trì thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu. Xác định tiếp tục tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp. Cùng với đó là thay đổi một cách căn bản hơn công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ba là, tăng cường quản lý nhà nước về phát triển thương mại trong nước
Về phát triển hạ tầng thương mại: Tăng cường quản lý nhà nước về phát triển thương mại trong nước;
Nâng cao hiệu quả quản lý và điều tiết thị trường:Xây dựng cơ chế điều tiết thị trường nhằm khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, có các biện pháp can thiệp phù hợp, trên cơ sở vận dụng các quy luật thị trường nhằm cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thực hiện bình ổn thị trường, bảo đảm thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Nhà nước...
Gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi:Nghiên cứu xây dựng chính sách và áp dụng các biện pháp thích hợp để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm;
Khắc phục triệt để những tồn đọng, yếu kém để bứt phá 6 tháng cuối năm
Tại Hội nghị sơ kết, nhiều ý kiến của các đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Văn phòng Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Sở Công Thương TP HCM, Sở Công Thương Đà Nẵng, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam… được Bộ trưởng ghi nhận và có những trao đổi, chỉ đạo trực tiếp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần phải coi năng lượng là hạ tầng thiết yếu để phát triển nền kinh tế. Nếu không có hạ tầng này thì gây ách tắc và hệ lụy cho nền kinh tế. Do đó, Bộ trưởng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chú trọng tái cơ cấu ngành điện; nâng cao hiệu quả trong vận hành hệ thống; đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo hiệu quả bền vững.
Đối với công tác cải cách hành chính, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, ưu tiên, xuyên suốt của Bộ Công Thương trong 3 năm trở lại đây. Nhắc đến các vị trí xếp hạng Par Index hay Chính phủ điện tử năm 2017, Bộ trưởng thẳng thắn chia sẻ, Bộ Công Thương không đấu tranh “đòi” vị trí cao mà chúng ta phải làm thực chất, phải có tác dụng thực sự đối với người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng chỉ đạo, cần xác định chúng ta còn tồn đọng gì và quan trọng là tồn đọng đó ảnh hưởng như thế nào đến sự vận hành, đến quá trình cải cách của chúng ta để khắc phục một cách triệt để.
Đối với các ý kiến của Đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là địa bàn lớn, cần chú trọng phát triển hợp tác thương mại, kết nối cung cầu. Đối với các nhóm ngành hàng trọng điểm, Sở cần chủ động phối hợp Bộ Công Thương trong việc phát triển thị trường cả nội địa và thị trường ngoài nước. Riêng thị trường ngoài nước, cần có chiến lược phát triển lâu dài hơn, khai thác thuận lợi của các FTA. Bộ trưởng đề nghị Sở Công Thương báo cáo Lãnh đạo Thành phố về việc xây dựng trung tâm hội chợ, triển lãm vì đây là địa bàn lớn nhưng hạ tầng còn chưa có, cần sớm hoàn thiện để xứng tầm là thành phố lớn và trung tâm thương mại của cả nước.
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Công Thương địa phương tập hợp các ý kiến của địa phương liên quan đến các vấn đề văn bản pháp luật, các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Bộ trưởng yêu cầu, định kỳ 3 tháng/lần, Cục Công Thương địa phương gửi bản tổng hợp ý kiến của địa phương để báo cáo Lãnh đạo Bộ. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phụ trách, trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ này, Cục Công Thương địa phương phải phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ theo từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ địa phương. Bộ trưởng cũng giao Vụ Kế hoạch lên phương án xây dựng trung tâm dữ liệu hỗ trợ các địa phương để sử dụng chung số liệu của nhà nước, phục vụ cho công tác điều hành chung.
Tại Hội nghị, các Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đã phát biểu ý kiến trao đổi về các lĩnh vực do Thứ trưởng trực tiếp phụ trách. Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ về tình hình khắc phục khó khăn, những chuyển biến của các dự án thua lỗ thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin về việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như sữa và các thực phẩm liên quan đến sữa, điện, xăng dầu… Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị cần tuyên truyển rộng rãi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong thời điểm nắng nóng gay gắt kéo dài. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của toàn Ngành để đạt được nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2018.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận định, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, toàn Ngành cần nỗ lực, đoàn kết hơn nữa để đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong cả năm 2018.
Theo đó, Bộ trưởng chỉ đạo Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ quán triệt sâu sắc các Chỉ đạo của Chính phủ, các Chương trình Hành động của Ngành được cụ thể hóa từ Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP… Các Nghị quyết này đã nhấn mạnh tầm ưu tiên trong chiến lược hành động của toàn Ngành. Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, bởi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, kéo dài và 6 tháng cuối năm cần phải thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa.
Bộ trưởng yêu cầu nỗ lực lớn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tái cơ cấu một cách hiệu quả các lĩnh vực của ngành, đảm bảo yêu cầu tăng trưởng kinh tế; bám sát tình hình thị trường trong nước và ngoài nước, hoạt động đầu tư sản xuất, đảm bảo chiến lược công nghiệp hóa, chiến lược hội nhập; tập trung theo chức năng, nhiệm vụ nhằm tháo gỡ, giải quyết tồn đọng đối với 12 dự án thua lỗ, phải có giải pháp quyết liệt hơn; giám sát thị trường nước ngoài; rà soát tổng thể các Hiệp định thương mại, dự báo tình huống phức tạp có thể xảy ra, đồng thời có biện pháp linh hoạt, ứng phó kịp thời với các khó khăn.
Bộ trưởng giao Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ phối hợp với các đơn vị tìm hiểu các thị trường tiềm năng để tổ chức tốt công tác tiếp cận thị trường, khai thác các thị trường đó. Một số thị trường còn có tăng trưởng âm, Bộ trưởng yêu cầu các Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ và Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các thương vụ rà soát, đánh giá lại tình hình và có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Đối với thị trường trong nước, Bộ trưởng yêu cầu cụ thể hóa chiến lược phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt vùng nông thôn và các vùng còn khó khăn; sớm xây dựng hệ thống quy chuẩn về hệ thống thương mại nội địa, hệ thống bán lẻ…
Bộ trưởng cũng chỉ đạo trực tiếp các nội dung về công tác hội nhập, công tác thông tin, tuyên truyền, rà soát hệ thống văn bản pháp luật và các hoạt động của Tập đoàn, Tổng công ty đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời, đảm bảo việc thực hiện chiến lược phát triển của toàn Ngành.
Nguồn: Moit.gov.vn