Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về việc rà soát các quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính Bộ Công Thương quản lý, ngày 7/8/2017, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt bao gồm Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Chánh Văn phòng Bộ để rà soát tổng thể các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để lên phương án đơn giản hóa hoặc cắt giảm.
Về kế hoạch bãi bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính
Bộ Công Thương là một trong những Bộ quản lý nhiều lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện (28 lĩnh vực). Tất cả các lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện đều phải có thủ tục hành chính (TTHC) để thực hiện quản lý nhà nước. Hiện nay, Bộ Công Thương quản lý 443 thủ tục hành chính, tuy nhiên, theo cách tính thủ tục hành chính thì một loại giấy chứng nhận sẽ có từ 3 đến 4 thủ tục gồm cấp mới, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi, v.v. do đó, trên thực tế Bộ chỉ quản lý trên 100 dịch vụ công.
Trong những năm qua, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công Thương đã rất tích cực rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa TTHC. Đặc biệt, năm 2017 là năm Bộ Công Thương đã thực hiện cuộc cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính (TTHC), Bộ đã ban hành kế hoạch bãi bỏ và đơn giản hóa 123 thủ TTHC, thực hiện ngay trong năm 2017. Đây là một kế hoạch lớn về cải cách TTHC, theo kế hoạch này, Bộ đã và đan thực hiện bãi bỏ và đơn giản hóa một số lượng thủ tục lớn, cụ thể là 123/443 TTHC, chiếm gần 30% tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã tích cực triển khai các công tác để thực hiện kế hoạch trên theo đúng quy định. Các công việc đã và đang được thực hiện là: Bộ thực hiện rà soát và sửa đổi, bổ sung 60 văn bản QPPL, trong quá trình xây dựng pháp luật sẽ gắn liền với đánh giá sự cần thiết của TTHC, đánh giá tác động của TTHC theo văn bản mới. Qua đó, thực hiện triệt để việc cắt giảm và đơn giản hóa TTHC. Theo chương trình Xây dựng pháp luật năm 2017, trong Quý III 2017 Bộ sẽ thực hiện xong 2/3 kế hoạch xây dựng văn bản, đồng nghĩa với việc thực hiện 2/3 kế hoạch cắt giảm thủ tục hành chính năm 2017 và chắc chắn các đơn vị sẽ nỗ lực hoàn thành 100% kế hoạch.
Các hoạt động thực tế triển khai xây dựng pháp luật gắn với cắt giảm TTHC
Trên cơ sở các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đặt ra yêu cầu của kế hoạch này là hoàn chỉnh một hệ thống thủ tục hành chính ngành Công Thương bảo đảm các tiêu chí đơn giản, minh bạch, hiện đại và mục tiêu đặt ra là góp phầncải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong ngành Công Thương.
Trong quá trình soạn thảo, xây dựng VBQPPL, các đơn vị đã phối hợp với Vụ Pháp chế tổ chức các hội nghị, hội thảo và gửi văn bản lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia, thực hiện đánh giá tác động của việc sửa đổi thủ tục hành chính để lựa chọn được phương án tối ưu.
Từ đầu năm đến nay, có thể nói các văn bản được xây dựng để trình và ban hành đều nhận được sự đồng thuận cao từ cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan.
Về hiện đại hóa giải quyết thủ tục hành chính
Bên cạnh việc bãi bỏ và đơn giản hóa 123 thủ tục trong năm 2017, Bộ Công Thương cũng nỗ lực thúc đẩy tích cực việc hiện đại hóa thủ tục hành chính. Theo kế hoạch, Bộ sẽ nâng tất cả các thủ tục lên cấp độ 3 và cấp độ 4 trong năm 2017. Dự kiến, hết Quý III Bộ sẽ hoàn thành 70% kế hoạch và Quý IV sẽ hoàn thành 100% kế hoạch.
Tổ công tác đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát xong các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực công thương cập nhật đến tháng 8/2017 (file kèm theo) để chuẩn bị đề xuất với Bộ trưởng các phương án đơn giản hóa hoặc cắt giảm.
Với quyết tâm cao nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trong thời gian tới Bộ Công Thương quyết liệt thực hiện việc đơn giản hóa TTHC một cách tối đa.
Điều kiện đầu tư kinh doanh cập nhật đến tháng 8/2017, xem tại đây.
Văn phòng Bộ
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương