menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2022

11:24 31/03/2022

Chiều ngày 30/3/2022 Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ để thông báo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2022 và trả lời những câu hỏi mà các đơn vị báo chí đang quan tâm đến ngành Công Thương. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn Bộ Công Thương chủ trì Cuộc họp báo.
 
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, nền kinh tế toàn cầu được dự báo giảm trong năm 2022 so với các dự báo đưa ra trước đó của các tổ chức quốc tế. Theo nhận định: cuộc chiến với đại dịch Covid 19 vẫn tiếp tục tiếp diễn trên toàn cầu, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina… sẽ tạo ra một lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn. Thương mại toàn cầu có xu hướng tăng, tuy nhiên sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tải gia tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa. Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (giá dầu, khí đốt, giá lương thực) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao, một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục đã ảnh hưởng đến phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp.
Ở trong nước, nhờ tiến độ tiêm chủng nhanh chóng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số động lực chính như: việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam… đã tác động tích cực đến phát triển KTXH của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Về sản xuất công nghiệp: Quý I/2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,07%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 5,03%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (Quý I/2021 tăng 6,44%), đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp Quý I năm 2022 được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 tiếp tục tăng đạt 54,3 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất trong nước.
Về xuất nhập khẩu: Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine … nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu hàng hóa đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD.
Về thị trường trong nước: Hoạt động thương mại dịch vụ đã từng bước khôi phục, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống; các cơ sở kinh doanh bán hàng song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng, tháng 3 đạt 438.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%).
Về công tác điều hành giá xăng dầu: Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước luôn được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết một số nhiệm vụ chính mà Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai, gồm:
Thứ nhất, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.
Thứ hai, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; Theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp.
Thứ ba, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá. Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm giá xăng dầu trong nước, sử dụng linh hoạt, hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, đảm bảo thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Tại Họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến các lĩnh vực của Ngành.

Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, góp phần chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến phát triển điện mặt trời, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành một số quy định nhằm khuyến khích để phát triển năng lượng tái tạo trong đó có điện gió, điện mặt trời. Đối với điện mặt trời, có quyết định 11 và Quyết định 13 ngày 06/4/2020. Ngày 17/7/ 2020 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số18 hướng dẫn việc thực hiện triển khai các dự án điện mặt trời trên toàn quốc. Sau khi có chính sách hướng dẫn thì các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển rất nhiều các dự án điện mặt trời. Cuối năm 2020 số lượng rất lớn điện mặt trời đã được đưa vào lưới điện, trong đó có 2 loại, một loại điện mặt trời trên mặt đất khoảng 9.000 MW và điện mặt trời trên mái nhà khoảng 8000MW.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng
Chủ trương về phát triển mặt trời nhằm tăng cường khả năng phát triển năng lượng tái tạo góp phần làm giảm tác hại của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Hiện nay điện mặt trời đang tập trung tại một số địa phương có địa hình phù hợp, nhiều tiềm năng về cường độ ánh sáng như các tỉnh nam miền trung, tây nguyên, nam bộ. Việc nguồn điện năng lượng mặt trời trên mặt đất và trên mái nhà tập trung và không phân tán nên gây ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống điện. Về điện mặt trời trên mái nhà, hướng đến việc tự sản xuất tiêu thụ, tự phục vụ tại cùng một địa điểm sẽ mang lại hiệu quả lớn trong việc phát lưới điện không cần xây dựng đường dây chuyển tải. Ngày 09/2/2021 văn phòng Chính phủ đã ra thông báo số 185 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiểm tra, rà soát phát triển điện mặt trời. Đồng thời, Bộ Công thương cũng thành lập đoàn kiểm tra các dự án phát triển về điện mặt trời vào ngày 15/3/2021 và thông báo tới UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đã tiến hành kiểm tra 10 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Long An, Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai. Hiện nay, Bộ Công Thương đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với EVN tiếp tục kiểm tra, rà soát các địa phương khác. Được biết, các tỉnh, thành phố đã tổ chức hoạt động kiểm tra. EVN cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra của Tập đoàn và các Tổng Công ty Điện lực để rà soát, đánh giá việc thực hiện phát triển điện mặt trời.
Thông tin thêm với báo chí về vấn đề trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong quá trình thực hiện các quy hoạch, phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian vừa qua còn có những tồn tại, bất cập, vì vậy nhiều cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra, ban hành kết luận về vấn đề này. Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện năng và đặc biệt là năng lượng tái tạo, đã và đang thực hiện nghiêm túc thẩm quyền, trách nhiệm theo đúng quy định hiện hành và các kết luận nói trên.
Nguồn cung xăng dầu trong nước luôn bảo đảm
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước trả lời những câu hỏi liên quan đến tình hình xăng dầu trong nước. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, từ năm 2021 đến nay, sự cố từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xăng dầu trong nước bởi Nghi Sơn đang chiếm 30% nguồn cung xăng dầu trong nước dẫn đến việc thiếu hụt xăng dầu trong thời gian rất ngắn. Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn báo cáo kế hoạch tái khởi động sản xuất, kế hoạch cung ứng, giao hàng cho thương nhân đầu mối.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước
Bộ đã ban hành Quyết định số 242 yêu cầu các thương nhân đầu mối ngoài tổng nguồn đã giao năm 2022 thì đẩy mạnh tăng kế hoạch nhập khẩu. Mặc dù vậy, việc nhập khẩu xăng dầu cũng đang gặp nhiều khó khăn sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid. Tuy nhiên với sự nỗ lực của thương nhân đầu mối, đặc biệt là “cánh chim đầu đàn” Petrolimex đã đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian vừa qua và trong thời gian sắp tới.
Liên quan đến câu hỏi liệu giá xăng dầu sẽ được điều hành ra sao trong kỳ điều hành ngày 1/4 tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, theo quy định của Nghị định 83 trước đây, xăng dầu được điều hành 15 ngày/lần, nay Nghị định 95 yêu cầu điều hành giá vào các ngày 1,11 và 21 hàng tháng. Đồng thời, giá xăng dầu phụ thuộc vào sự biến động của xăng dầu thế giới.
Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản
Liên quan đến kế hoạch tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo giao một số đơn vị chức năng thuộc Bộ trong đó có Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước và các Vụ thị trường ngoài nước… tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có sản phẩm nông sản đến mùa vụ để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, cả trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã triển khai hàng loạt hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; Hội nghị giao thương nhóm mặt hàng cụ thể với thị trường tiềm năng; Tổ chức hội chợ triển lãm cho các sản phẩm nông sản. Bộ Công Thương cũng giao Cục Xúc tiến thương mại triển khai, xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam, đây sẽ là kênh thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương, và thông qua môi trường mạng hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp từng địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất.

 

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại
 
Trong thời gian tới, với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 -2030, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành, các địa phương, cơ quan xúc tiến thương mại có liên quan tích cực triển khai việc đưa các ứng dụng số, nền tảng số để hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho sản phẩm nông sản cho bà bà con, giúp bà con chủ động chào bán sản phẩm của mình.
 
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các địa phương, hiệp hội, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ số bán hàng online, và đã kết nối với nhiều sàn Thương mại điện tử lớn như Amazon, Global Selling… mà Bộ đã ký hợp tác. Tương tự, vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã làm việc với Alibaba để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối, tiêu thụ sản phẩm. “Kể cả khi không còn dịch bệnh, chắc chắn đây vẫn là sẽ xu hướng cần được đẩy mạnh trong tương lai” – Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

 

Trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề nông sản, Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tình hình tiêu thụ nông sản trong 3 tháng đầu năm rất tốt đặc biệt gạo, cà phê, thủy sản, xuất khẩu nông sản đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu chung của các mặt hàng là 10%, riêng tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt 19%. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn ở một số nhóm hàng và một số thời điểm cụ thể. Gần đây nhất liên quan đến mặt hàng trái cây xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu
Đối với trường hợp này, Bộ Công Thương hết sức quan tâm và trong thời gian qua Bộ đã có một số động thái như: Bộ đã dự thảo và trình Thủ tướng Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch; Thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ là thành viên; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc làm sao để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới; Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận, bên cạnh đường bộ cũng tận dụng các phương thức khác như đường sắt, đường biển…

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc