menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương và EuroCham ký kết Bản ghi nhớ hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững

10:52 04/10/2022

Chiều ngày 3/10, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại - VIETRADE) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai Tổ chức. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới.
 
Chiều ngày 3/10, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại - VIETRADE) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai Tổ chức. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới.
Lễ ký kết được diễn ra trong khuôn khổ họp báo Hội nghị cấp cao và Triển lãm Kinh tế xanh 2022 (GEFE 2022), sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với EuroCham tổ chức từ ngày 28-30/11 tới, tại TP HCM.
Sự kiện có sự tham gia của ông Gorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam; Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam; Đại diện các Cơ quan ngoại giao các quốc gia thành viên EU tại Việt Nam cùng đại điện cho các Bộ, ngành của Việt Nam.
Mục tiêu chính của GEFE 2022 là hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết COP26 và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đổi mới, sinh viên và các nhà hoạch định chính sách từ Châu Âu, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tại các phiên thảo luận, triển lãm và các phiên đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với chính phủ (B2C).
Trong khuôn khổ GEFE 2022, Cục Xúc tiến thương mại sẽ là đầu mối hỗ trợ và tuyển chọn các doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm và đăng ký gian hàng Việt Nam.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, sau những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt với các mục tiêu như: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ ban ngành liên quan tổ chức Hội nghị cấp cao và Triển lãm kinh tế xanh năm 2022 nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy đầu tư, hợp tác thương mại giữa châu Âu và Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là hoạt động thiết thực trong tiến trình thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng giai đoạn 2021- 2030 đã được đề ra. 
Triển lãm Kinh tế xanh sẽ giới thiệu, trưng bày các công nghệ tiên tiến, sản phẩm chất lượng cao, sáng kiến và mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam. Bên cạnh đó các diễn đàn và phiên thảo luận trong khuôn khổ Triển lãm sẽ là nền tảng để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế Việt Nam xanh, bền vững thông qua việc chia sẻ sáng kiến, ý tưởng và chuyển giao công nghệ.
“Tôi tin tưởng rằng, Hội nghị cấp cao và Triển lãm Kinh tế xanh 2022 sẽ là một sự kiện có ý nghĩa và là một phần quan trọng trong việc thực hiện các sáng kiến phát triển bền vững phù hợp với thỏa thuận song phương Việt Nam và EU, góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng.
Thứ trưởng thông tin thêm, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam và châu Âu đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu, vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, cũng như giáo dục, khoa học công nghệ....
Kim ngạch thương mại song phương đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng, thương mại hàng hóa tăng hơn 4 lần, thương mại dịch vụ tăng hơn 2 lần. Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là nhà viện trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư hàng đầu, có mặt trong mọi lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Quan hệ thương mại được coi là tiền đề quan trọng thúc đẩy hợp tác chính trị và các hoạt động hợp tác giữa châu Âu và Việt Nam trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Châu Âu hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào châu Âu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm thứ hai thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực. Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu, tính riêng 7 tháng đầu năm 2022, châu Ân nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam đạt giá trị 27,9 tỷ EUR, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, châu Âu cũng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với kim ngạch đạt 6,9 tỷ EUR, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.
"Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và châu Âu tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai Bên" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Đáng chú ý, 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối châu Âu đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ châu Âu (như Đức, Hà Lan, Pháp…), mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu. Những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo Hiệp định EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU, đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao.
Cũng tại buổi họp báo, ông Alain Cany- Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh, Hội nghị cấp cao và Triển lãm kinh tế xanh 2022 rất quan trọng, hỗ trợ cho Việt Nam đáp ứng cam kết tại COP26 và hoàn thành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam.
 Theo đó, mục tiêu chính của GEFE 2022 là hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết COP26 và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030. Sự kiện còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đổi mới, sinh viên và các nhà hoạch định chính sách từ Châu Âu, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tại các phiên thảo luận, triển lãm và các phiên đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với chính phủ (B2C) trong chuỗi sự kiện kéo dài ba ngày đầy tham vọng này.
Ông Vũ Bá Phú - Cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công cho biết thêm, tại Hội nghị lần này, các cấp, ngành, doanh nghiệp sẽ được chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm của doanh nghiệp châu Âu, đồng thời nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng thực hiện nền kinh tế xanh và tăng trưởng xanh.
Phiên toàn thể sẽ diễn ra vào ngày đầu tiên của GEFE 2022, với sự tham gia của các đại diện cấp cao của Chính phủ châu Âu và Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nhằm thảo luận về các chính sách phát triển bền vững, kế hoạch quốc gia về năng lượng, quản lý rủi ro khí hậu.
Bên cạnh đó, đại diện của các quốc gia thành viên EU, các quan chức ngoại giao và Cơ quan xúc tiến thương mại, cùng các Tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới được xác nhận sẽ tham dự. Ban tổ chức hiện đang tiếp tục bố trí lãnh đạo Ủy ban châu Âu và một thành viên lãnh đạo Nghị viện châu Âu (MEP) tham dự chương trình.
Link gốc