menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện

14:03 07/03/2018

Vinanet - Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến được ký kết tại Chile vào ngày 8/3 tới. Trước thời khắc lịch sử này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương về những nội dung liên quan đến Hiệp định.

Bộ trưởng có thể cho biết về những lợi ích mà Hiệp định CPTPP sẽ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam? Những khối doanh nghiệp, ngành hàng nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể khẳng định rằng, những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Tuy nhiên, khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và những điều ngược lại.

Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế. Đó mới là những yếu tố quyết định.

Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường.

Hàng loạt lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm truyền thống và phi truyền thống, đều có các cam kết. Ví dụ, sở hữu trí tuệ hay mua sắm công - lĩnh vực truyền thống, trong nội dung của CPTPP, nước ta có những cam kết mạnh mẽ cùng những quốc gia khác. Với lĩnh vực phi truyền thống như điều kiện lao động và môi trường của người lao động, hay nội dung liên quan tới công đoàn cũng đòi hỏi cam kết và cải cách mạnh mẽ. Khi thực thi những cam kết hội nhập này, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành nghề, doanh nghiệp, sản phẩm được cải thiện và nâng cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, với một môi trường liên tục được hoàn thiện bằng những cải cách về thể chế cũng như từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, thì điều kiện để thu hút đầu tư thêm nguồn lực từ bên ngoài sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ Hiệp định có thể kể đến như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Một số ngành khác, không phải không có lợi ích, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị.

Tôi muốn nhấn mạnh, sự chủ động trong tiếp cận thị trường, bằng chính nhãn quan của doanh nghiệp mới là điểm mấu chốt, đảm bảo hội nhập thành công...

Bên cạnh cơ hội mang lại cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, xin Bộ trưởng cho biết về những khó khăn, thách thức khi thực thi Hiệp định?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thách thức, khó khăn, thậm chí cả nguy cơ, không chỉ đặt ra cho các doanh nghiệp mà còn đối với người dân.

Từ thực tiễn hội nhập những năm trước đây, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) đã cho thấy, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động, tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế. Nhưng nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá.

Ví dụ, ngành dịch vụ, viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử, dệt may, da giày… đã có tăng trưởng đột biến nhưng ngược lại, trong lĩnh vực nông nghiệp như canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường rất chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu. Do được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan, đến nay, ngành mía đường, cả hiệu quả và năng lực cạnh tranh rất thấp nếu so với các quốc gia khác.

Điều này cho thấy những tác động rất nhiều chiều và có cả tác động tiêu cực, nguy cơ đe dọa đối với một số ngành kinh tế cũng như tác động đến lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng và bộ phận dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội.

Bộ Công Thương đã có kế hoạch như thế nào để tuyên truyền về Hiệp định CPTPP để cả người dân và doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Khi thực thi kế hoạch hội nhập và những đề án hội nhập cụ thể, Bộ Công Thương, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã xây dựng các đề án tuyên truyền cụ thể. Những đề án này đều có tham vấn, lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, người dân ngay từ tiến trình đàm phán, ký kết một hiệp định cụ thể, đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Đối với Hiệp định CPTPP cũng như vậy, yếu tố quan trọng trước hết, là phải có một chương trình hành động mang tính tổng thể của đất nước, của nền kinh tế để chuẩn bị cho việc thực thi cam kết hội nhập. Với CPTPP, sắp tới chúng tôi sẽ trình kế hoạch hành động này lên Chính phủ để ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, chương trình hành động tổng thể và toàn diện này có sự tham gia của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội và người dân.

Thứ hai, yếu tố then chốt và quan trọng là việc rà soát khung khổ pháp lý, “nội luật hóa” cam kết hội nhập trong khuôn khổ Hiệp định – cần làm liên tục ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về Hiệp định cũng như chương trình hành động, xác định rõ nhiệm vụ của từng bộ phận để có sự tham gia, mang tính chủ động. Yếu tố tham gia mang tính chủ động là then chốt cho sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế khi hội nhập.

Hiệp định sẽ sớm được ký kết và dự kiến thông qua vào dịp giữa năm hoặc cuối năm. Như vậy, Hiệp định sẽ phát huy được ý nghĩa, vai trò, tạo động lực cho phát triển, phát triển bền vững và thực hiện được mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế 5 năm (2016-2021).

Với nỗ lực chung của Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, chắc chắn sẽ tạo ra những tiền đề để người dân và doanh nghiệp thụ hưởng thành quả từ Hiệp định, cũng như có biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: Baocongthuong.com.vn