menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đề nghị Quốc hội ủng hộ Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao

17:43 12/06/2015

Vinanet - Hiện tại, Việt Nam chưa có Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao, trong khi đây là cơ hội để hỗ trợ các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ thực hiện các ý tưởng.

Chiều nay (12/6), Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân tiếp tục trả lời chất vấn trước các Đại biểu Quốc hội. 

Trả lời câu hỏi của Đại biểu về việc thực hiện Quỹ đầu tư công nghệ cao, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định Việt Nam chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao. 
Theo Bộ trưởng, kinh nghiệm từ các quốc gia khác thì Quỹ đầu tư mạo hiểm ban đầu cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, khi hoạt động ổn định thì đóng góp thuộc về nhà đầu tư tư nhân. Việt Nam trong các luật có liên quan như Luật Ngân sách Nhà nước chưa có quy định nội dung này. Vì thế, việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các Nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ từ cấp huyện, cấp trường trong thời điểm này Việt Nam chưa làm được.

Bộ trưởng nói rõ, trong kỳ họp Quốc hội khóa 12, Quốc hội cho rằng cần phải sửa luật hình sự trước khi có Quỹ đầu tư mạo hiểm để tránh cho các nhà khoa học lâm vào hoàn cảnh không may mắn khi sử dụng ngân sách mà gây thất thoát, lãng phí. 

Đầu năm vừa qua, Bộ Khoa học Công nghệ đã thí điểm hỗ trợ thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên, được Bộ Nội vụ cấp giấy phép. Theo đó, Quỹ này hỗ trợ 9 dự án khởi nghiệp cho sinh viên các trường đại học, trong đó có 5 nhóm được hỗ trợ mỗi dự án 200.000 USD. Sau 4 tháng hoạt động, một trong các dự án đã công ty nước ngoài đặt mua 4 triệu USD. Đây là kết quả tốt, mong được Quốc hội ủng hộ, sắp tới có thể dùng một phần ngân sách hỗ trợ và sau này hoạt động độc lập.

Về Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ trưởng cho rằng đây không phải là Quỹ đầu tư mạo hiểm mà là quỹ của Nhà nước nên quy trình thủ tục vẫn tuân thủ pháp luật hiện hành. Theo đó, các doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ để được tài trợ từ Ngân sách Nhà nước nhưng chỉ được giải ngân nếu thực hiện theo đúng quy định, có hiệu quả, có sản phẩm đúng như hợp đồng đặt hàng.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện nay chương trình đổi mới công nghệ quốc gia còn đang xây dựng các dự án để đánh giá trình độ công nghệ doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao. Hiện, Bộ Khoa học Công nghệ đang tiến hành 3 dự án. Một là dự án về phương pháp đánh giá trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam. Dự án thứ hai là xây dựng bản đồ công nghệ cho các lĩnh vực chủ chốt của công nghiệp Việt Nam và dự án thứ ba về đầu tư nâng cao trình độ công nghệ cho Việt Nam.

Liên quan tới hoạt động công nghệ cao, Bộ trưởng cho biết Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến thời điểm này chưa hoàn thành được dự án theo tiến độ sau 16 -17 năm từ khi Quốc hội cho chủ trương vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Trong đó, khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là khâu vướng mắc do người dân không chịu đền bù do chênh lệch khung giá đất Hà Nội - Hà Tây cũ. Mới đây, cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có cơ chế đặc biệt cho GPMB ở Hòa Lạc, áp dụng cơ chế GPMB của Đại lộ Thăng long  nên đến nay đã giải quyết xong.

Do đó, Bộ trưởng cho biết đến ngày 26/6 tới đây, Bộ sẽ khởi công dự án hạ tầng theo vốn ODA từ Nhật Bản, coi như kết thúc GPMB. Chắc chắn đến năm 2018, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ đi vào hoạt động.

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, cần xây dựng Quỹ đầu tư công nghệ cao. Theo ông Hùng, đầu tư 200.000 USD mà có người mua 4 tỷ USD thì phải chớp ngay cơ hội, không có lý do gì để không làm. 

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng "chúng ta đang lúng túng trong việc thị trường hóa khoa học công nghệ". Việc định giá sản phẩm khoa học trí tuệ còn gặp khó khăn, việc định giá phải để thị trường quyết định. Cách thức định giá hiện tại không coi sản phẩm khoa học là sản phẩm của kinh tế thị trường. 
Do đó, khoa học công nghệ không phát triển theo cơ chế thị trường nên thị trường hình thành chậm, nhiều khó khăn. Trong khi, khoa học công nghệ là yếu tố dẫn đầu trong cơ chế vận hành thị trường lại không hoạt động theo cơ chế thị trường, đó là bất cập, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng.
Ngoài ra, người đứng đầu Quốc hội còn nhấn mạnh khoa học công nghệ chưa được coi là vấn đề quốc sách hàng đầu. Việc đầu tư cho khoa học công nghệ còn quá thấp, chỉ 2% ngân sách mà không chi hết, chưa nói đến tiêu cực trong sử dụng vốn đầu tư. Cơ chế quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, cơ chế tài chính trong lĩnh vực này còn nhiều tồn tại, đếm từng công đoạn nghiên cứu để chi tiền mà không đếm sản phẩm. Vai trò của nhà khoa học trong liên kết 4 nhà còn gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ phải tổ chức khoa học công nghệ thực sự trở thành vấn đề thị trường, trong đó chủ thể là người nghiên cứu khoa học chính là nhà sản xuất ra sản phẩm; người sử dụng sản phẩm nghiên cứu chính là người mua; vị trí ở giữa là thị trường giao lưu, trao đổi thông suốt, định giá nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, tiếp tục làm rõ mô hình, xây dựng thị trường khoa học công nghệ đúng đắn. 
Khổng Chiêm