menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của các Đại biểu đối với dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

14:58 25/05/2018

Vinanet - Chiều ngày 24 tháng 5 năm 2018, Quốc hội khóa XIV đã họp phiên toàn thể cho ý kiến đối với dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình này Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trong đó nêu những vấn đề chính bao gồm sự cần thiết và tính khả thi của việc mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Cạnh tranh (sửa đổi); việc áp dụng luật này và các luật khác có liên quan; vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh và mô hình cơ quan cạnh tranh; việc xác định thị phần và thị phần kết hợp; các quy định kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền; các quy định kiểm soát tập trung kinh tế; các quy định về tố tụng cạnh tranh; và về xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Trên cơ sở nội dung báo cáo, đã có 19 đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận cho ý kiến cụ thể về nhiều vấn đề trong dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đóng góp đa dạng, toàn diện góp phần cung cấp thêm cơ sở, điều kiện để nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trong thời gian tới. Những ý kiến đóng góp tuy đa dạng toàn diện nhưng cũng đi vào chi tiết một số quy định tại Dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan liên quan rà soát tiếp thu nghiêm túc để hoàn thiện Dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã báo cáo, giải trình thêm với Quốc hội một số vấn đề, cụ thể như:

Thứ nhất, liên quan đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, có ý kiến đại biểu băn khoăn về việc nếu như mở rộng phạm vi áp dụng thì có cơ sở pháp lý nào, điều kiện thực tiễn nào để có thể thực thi trên thực tế. Để đảm bảo tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã quy định Ủy ban cạnh tranh Quốc gia thông qua các cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương, có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh. Điều 111 và Điều 112 dự thảo Luật quy định về mặt nguyên tắc để cho phép Ủy ban cạnh tranh Quốc gia có thể chủ động tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp để thực thi quy định nêu trên. Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, cơ quan cạnh tranh sẽ hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước thông qua các diễn đàn quốc tế như ASEAN, APEC, diễn đàn cạnh tranh quốc tế (ICN), diễn đàn cạnh tranh các nước Đông Á và các thỏa thuận hợp tác song phương giữa các cơ quan cạnh tranh.

Điều này chúng tôi cho rằng vô cùng cần thiết và sẽ rất có hiệu quả khi mà hội nhập quốc tế đã diễn ra rất sâu rộng và độ mở ổn định của nền kinh tế của chúng ta rất lớn, vì vậy một môi trường cạnh tranh không còn chỉ hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ, như các hãng hàng không, hãng vận tải biển họ có thể tự điều chỉnh và có những liên kết với các hãng hàng không khác để gây ra thiệt hại cho các cạnh tranh tại Việt Nam, vì vậy, hành vi của các doanh nghiệp ngoài nước và doanh nghiệp trong nước đều phải chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Thứ hai, việc bổ sung đối tượng điều chỉnh là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có liên quan là điều này rất cần thiết. Đối tượng áp dụng của luật không còn hạn chế đối với các doanh nghiệp Việt Nam mà còn cả đối với các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức trong nước và nước ngoài khác. Đồng thời, một nội dung cũng rất quan trọng khác là các cơ quan nhà nước cũng sẽ là các chủ thể thực hiện hành vi bị cấm nên cũng thuộc đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật này. Đây chính là điểm mới, điểm tiến bộ, đồng thời cũng là nội dung rất quan trọng để đảm bảo cho môi trường cạnh tranh thật sự minh bạch và bình đẳng cho tất cả các loại hình kinh tế và các doanh nghiệp của VIệt Nam.

Việc bổ sung nhóm đối tượng áp dụng như trên là phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế chung của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, khuyến khích và tạo lập môi trường cạnh tranh, môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và không phân biệt đối xử.

Thứ ba, về trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh (Điều 7) và vấn đề mô hình cơ quan cạnh tranh

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Qua tổng hợp ý kiến đại biểu, hầu hết các ý kiến tán thành với phương án sáp nhập các cơ quan cạnh tranh hiện nay thành một cơ quan cạnh tranh và được định danh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, và đề nghị cơ quan này phải được quy định cụ thể ngay trong Luật. Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) quy định Ủy ban cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công Thương. Có một số ý kiến đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm về vị trí pháp lý và vai trò của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, đây là phương án tối ưu của chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Phương án này đảm bảo thực hiện đúng các chủ trương, quan điểm chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, và đặc biệt phù hợp với nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy theo hướng thu giảm đầu mối, cắt giảm biên chế đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, việc tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh phù hợp với tinh thần thu giảm đầu mối cơ quan, tổ chức, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII.Việc kiện toàn tổ chức nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi của Cơ quan cạnh tranh phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Hội nghị Trung ương 5.

Mặt khác, với việc định danh rõ và quy định bằng một chương trong dự thảo luật, Ủy ban cạnh tranh Quốc gia dù thuộc của Bộ Công thương, nhưng là một cơ quan hành chính bán tư pháp. Với việc Chủ tịch và các thành viên của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ nhiệm cùng với quy trình thủ tục tố tụng chặt chẽ đã được quy định trong hàng loạt các điều trong dự thảo luật sẽ đảm bảo cho Ủy ban cạnh tranh Quốc gia có đủ điều kiện và năng lực để tổ chức thực thi pháp luật hiệu quả đáp ứng được cầu như các đại biểu đã đặt ra. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới.

Thứ tư, về vấn đề định tính, định lượng cũng như các tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể hoặc khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được nghiên cứu, tiếp thu rất nhiều ý kiến của các đại biểu quốc hội, đặc biệt là sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, tháng 11 năm 2017. Trên tinh thần đó, dự thảo luật đã được xây dựng theo hướng kết hợp chặt chẽ hơn giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý. Những tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể và xác định khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể được xây dựng trên cơ sở các lý thuyết kinh tế và với sự đề cao trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia để đánh giá trong từng trường hợp cụ thể. Việc đưa ra những tiêu chí cụ thể, cho các ngành, lĩnh vực cụ thể quả thực là khó khăn. Thực tiễn thế giới cũng khó có trường hợp nào có thể đưa ra những tiêu chí cứng.

Dự án Luật Cạnh tranh sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào chiều ngày 12 tháng 6 tới.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

Nguồn: Moit.gov.vn