menu search
Đóng menu
Đóng

Cải cách thủ tục về dán nhãn năng lượng

10:43 26/10/2016

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo Tổng cục Năng lượng nghiêm túc thực hiện các giải pháp, hướng tới mục tiêu giảm nhanh số lượng các trường hợp phải làm thủ tục kiểm tra, dán nhãn năng lượng.
Ngày 18/10/2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp với Tổng cục Năng lượng về rà soát cải cách thủ tục hành chính và các quy định có liên quan về dán nhãn năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.
Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Năng lượng về tình hình thực hiện chương trình dán nhãn năng lượng và các ý kiến góp ý, đề xuất của các đơn vị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận như sau:
Một là, để triển khai việc thi hành Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, tạo ra một hệ thống khung pháp lý đồng bộ và toàn diện trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đã có một số tồn tại, vướng mắc gây khó khăn cho các doanh nghiệp liên quan đến Chương trình dán nhãn năng lượng. Tổng cục Năng lượng đã nhận thức được những vấn đề bất cập của các quy định hiện hành liên quan tới dán nhãn năng lượng, đã triển khai thực hiện một số biện pháp tháo gỡ và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Các biện pháp đã thực hiện bao gồm: i) Phối hợp với Tổng cục Hải quan hướng dẫn doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, theo đó cho phép doanh nghiệp thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa phải dán nhãn năng lượng và kiểm tra mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. ii) Thành lập Phòng tiếp nhận và xử lý hồ sơ dán nhãn năng lượng tại Tổng cục Năng lượng theo cơ chế một cửa. iii) Triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyên mức độ 3 để giảm thiểu thời gian đăng ký chứng nhận nhãn năng lượng cho doanh nghiệp. iv) Triển khai xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04/4/2012, hoàn thành dự thảo 2 Thông tư để chuẩn bị trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt và ban hành trong tháng 12 năm 2016.
Để thực hiện Nghị quyết số 19/201/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ, cần thiết phải sửa đổi một số quy định và cải cách cơ bản các thủ tục hành chính về dán nhãn năng lượng nhằm rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình Dán nhãn năng lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Hai là, yêu cầu Tổng cục Năng lượng khẩn trương phối hợp với Vụ Pháp chế, lập tức tiến hành rà soát nội dung Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04/4/2012 và các văn bản có liên quan để tiến hành sửa đổi, loại bỏ các quy định không phù hợp. Trong đó, những vấn đề cụ thể đã được cộng đồng doanh nghiệp nêu trong thời gian qua cần được nghiêm túc xem xét để có xử lý một cách phù hợp trên tinh thần cầu thị, hướng tới phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể: điều chỉnh các quy định liên quan theo hướng cho phép doanh nghiệp được sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các lô hàng nhập khẩu cùng số serial/model, cùng nhà sản xuất, cùng xuất xứ, tạo điều kiện cho quy trình thông quan được nhanh chóng; rà soát, cải tiến quy trình giải quyết công việc, đơn giản hóa các thủ tục kiểm định hiệu suất năng lượng và quy trình chứng nhận dán nhãn năng lượng; bổ sung nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chứng nhận nhãn năng lượng để đơn giản hóa thủ tục hành chính; xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian hiệu lực của Phiếu đánh giá kết quả kiểm định hiệu suất năng lượng đảm bảo yêu cầu tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, tránh gây tốn kém thời gian, chi phí thực hiện kiểm định; có quy định và hướng dẫn cụ thể để tăng cường công nhận lẫn nhau gữa các phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng của Việt Nam và quốc tế, giải quyết một cách căn bản tình trạng ùn ứ, chờ kiểm định của doanh nghiệp.
Ba là, rà soát Nghị định số 51/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định danh mục phương tiện thiết bị phài dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện (Quyết định số 51). Trên cơ sở đó, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 51.
Bốn là, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng văn bản hướng dẫn để thực hiện quy định "Công nhận nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị nhập khẩu" theo quy định; tại Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để giảm nhanh số lượng các trường hợp phải làm thủ tục kiểm tra, dán nhãn.
Năm là, nghiên cứu, đề xuất lộ trình về việc xem xét, sửa đổi Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật liên quan đến thủ tục dán nhãn năng lượng.
Nguồn: Hồng Hạnh/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương