Quy chế về thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện
Kể từ ngày 27/03/2017, Thông tư 02/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo Thông tư này, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có trách nhiệm lập giá truyền tải điện cho năm N, trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông qua, gửi một bản sao báo cáo về Cục Điều tiết điện lực để biết. Trước ngày 15 tháng 11 hàng năm (năm N-1), Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt giá truyền tải điện năm N. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ giá truyền tải điện và được sử dụng tư vấn để thẩm định hồ sơ giá truyền tải điện trong trường hợp cần thiết. Trường hợp hồ sơ giá truyền tải điện không hợp lệ theo quy định tại Điều 8 Thông tư này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm hoàn chỉnh, bổ sung trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Cục Điều tiết điện lực. Trước ngày 05 tháng 12 hàng năm (năm N-1), Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo thẩm định giá truyền tải điện năm N. Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm (năm N-1), Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt giá truyền tải điện năm N.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc Công ty mua bán điện, Tổng công ty Điện lực và khách hàng mua điện trực tiếp từ lưới truyền tải điện có trách nhiệm thanh toán chi phí truyền tải điện cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia theo hợp đồng ký kết. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này và giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện xây dựng giá truyền tải điện hàng năm theo quy định tại Thông tư này. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có trách nhiệm xây dựng giá truyền tải điện hàng năm trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam và gửi báo cáo Cục Điều tiết điện lực theo quy định tại Thông tư này.
Quy định về hạn ngạch nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu, trứng gia cầm
Thông tư số 01/2017/TT-BCT quy định việc áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu năm 2017, 2018 và 2019 của Bộ Công Thương có hiệu lực thi hành từ ngày 14/3/2017 đến hết ngày 31/12/2019.
Thông tư nêu rõ đối với trứng gia cầm, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2017 là 8.400 tá; năm 2018 là 8.820 tá và năm 2019 là 9.261 tá. Đối với nguyên liệu thuốc lá, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2017, 2018, 2019 là 500 tấn mỗi năm.
Hàng hóa nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu cấp (viết tắt là C/O form EAV).
Riêng đối với thuốc lá nguyên liệu, thương nhân Việt Nam có giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan do Bộ Công Thương cấp theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài được phép nhập khẩu (nhập khẩu trực tiếp hoặc ủy thác nhập khẩu), số lượng nhập khẩu tính trừ vào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo giấy phép do Bộ Công Thương cấp.
Thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan và ngoài hạn ngạch thuế quan đối với thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm nhập khẩu từ các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Quy định về tiền ký quỹ cải tạo môi trường đối với khai thác khoáng sản tại Quỹ bảo vệ môi trường
Từ ngày 10/03/2017, Thông tư 08/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại Quỹ Bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo quy định tại Thông tư, bên ký quỹ là tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Bên nhận ký quỹ là Quỹ bảo vệ môi trường (gồm Quỹ bảo vệ môi trường địa phương và Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam). Tiền ký quỹ là khoản tiền bên ký quỹ gửi vào bên nhận ký quỹ để bảo đảm trách nhiệm thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
Về việc quản lý tiền ký quỹ, Thông tư quy định bên nhận ký quỹ phải mở tài khoản riêng theo dõi tiền ký quỹ. Tiền ký quỹ được bên nhận ký quỹ gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãi suất và kỳ hạn gửi tiền tại ngân hàng thương mại do bên nhận ký quỹ thỏa thuận với ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật. Mức lãi suất ký quỹ được điều chỉnh theo lãi suất cho vay của bên nhận ký quỹ và áp dụng cho toàn bộ số dư tiền ký quỹ.
Về việc sử dụng tiền ký quỹ, Thông tư quy định bên nhận ký quỹ không được sử dụng tiền ký quỹ để cho vay và thực hiện các mục đích khác ngoài quy định tại Thông tư này. Đối với tiền lãi từ gửi tiền ký quỹ thì có thể sử dụng như sau: (i) Toàn bộ tiền lãi gửi ngân hàng từ tiền gửi ký quỹ được hạch toán vào doanh thu hoạt động nghiệp vụ của bên nhận ký quỹ; (ii) Toàn bộ tiền lãi ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ được hạch toán vào chi phí hoạt động nghiệp vụ của bên nhận ký quỹ.
Về việc hoàn trả tiền ký quỹ, được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP và Điều 15 Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT. Bên ký quỹ phải gửi kế hoạch rút tiền ký quỹ cho bên nhận ký quỹ trước ba tháng kể từ ngày bên nhận ký quỹ phải hoàn trả tiền ký quỹ theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định 19/2015/NĐ-CP.
Thông tư cũng quy định về các trường hợp bên ký quỹ đã thực hiện ký quỹ trước ngày Nghị định số 19/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì từ ngày 31/3/2015 trở về trước bên ký quỹ được hưởng lãi suất bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn đối với số dư tiền ký quỹ theo quy định tại Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg.
Trường hợp từ ngày 1/4/2015 thì bên ký quỹ được hưởng lãi suất bằng lãi suất cho vay của bên nhận ký quỹ đối với số dư tiền ký quỹ theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư này.
Phân cấp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Từ 09/03/2017, Quyết định 04/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Yên Bái bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Quy định này phân cấp công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Yên Bái cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý.
Đối tượng áp dụng của Quy định này bao gồm các cơ quan, đơn vị được phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của ngành Công thương; Các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, buôn bán hàng rong, kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không cần điều kiện bảo quản đặc biệt trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương; Các tổ chức và cá nhân khác có liên quan.
Theo Quyết định, Phân cấp cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các đối tượng sau: Cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ được cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Buôn bán hàng rong (là đối tượng kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định). Cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định (là các hộ kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu việc sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ để duy trì về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và các yếu tố bảo quản khác theo yêu cầu của nhà sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm). Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ được cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.
Ngoài ra, một số quy định không thuộc lĩnh vực của ngành Công Thương như về thời gian cấp sổ đỏ cho người dân được rút ngắn, đất sai phạm, tăng thêm cũng được cấp sổ đỏ, mở rộng diện đối tượng được mở tài khoản, không giới hạn nguyện vọng xét tuyển đại học, hỗ trợ cưỡng chế vi phạm hành, danh mục bệnh phải chữa trị dài ngày…cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2017.
Cấp sổ đỏ không quá 15 ngày
Từ ngày 3/3, Nghị định 01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai sẽ có hiệu lực. Nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ giảm một nửa hoặc 1/3 thời gian so với quy định trước đây.
Cụ thể, việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng sổ đỏ và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng là không quá 15 ngày, quy định cũ là 30 ngày.
Việc đăng ký, cấp sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất cũng giảm xuống còn 15 ngày thay vì 20 ngày như trước.
Riêng, thủ tục cấp lại sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất giảm 2/3 thời gian, xuống còn 10 ngày thay vì 30 ngày.
Ngoài ra, nghị định cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất với việc mở rộng thêm 5 trường hợp sau: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014; đất được giao không đúng thẩm quyền; diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất; đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau; trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên.
Đủ 15 tuổi được mở tài khoản thanh toán
Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 32/2016 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/3 sửa đổi Thông tư 23/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Theo đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung đối tượng là cá nhân được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, không yêu cầu có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong việc mở tài khoản thanh toán như quy định hiện hành.
Ngoài ra, quy định cũng bổ sung thêm nhóm người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
50 km cao tốc phải có một trạm cấp cứu
Thông tư số 49/2016 của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc.
Theo đó, hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông phải bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả để cấp cứu và vận chuyển kịp thời nạn nhân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất.
Mạng lưới cơ sở phục vụ hoạt động cứu nạn trên cao tốc bao gồm các trạm cấp cứu, được tổ chức như sau:
Trạm cấp cứu được tổ chức lồng ghép với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sẵn trên tuyến đường cao tốc đi qua bao gồm trạm y tế xã/phường; trung tâm y tế quận/huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; trung tâm cấp cứu 115; bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân.
Tối thiểu, 50 km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu. Thông tư này có hiệu lực từ 1/3.
Bảo hiểm được giao dịch điện tử
Từ 1/3, Nghị định 166/CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hộ, bảo hiểm y tế (và bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu có hiệu lực. Người dân có thể đăng ký tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm; cấp sổ; giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm; giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và việc trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện chế độ bảo hiểm.
Nghị định cũng quy định các trường hợp nộp chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử được thực hiện giao dịch điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
Cơ quan tiếp nhận sẽ gửi thông báo xác nhận đã nhận được chứng từ Bảo hiểm xã hội điện tử đến địa chỉ thư điện tử của người nộp chậm nhất 15 phút sau khi nhận được chứng từ Bảo hiểm xã hội điện tử gửi đến.
Không giới hạn nguyện vọng xét tuyển đại học
Theo Thông tư 04/2017 về quy chế thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT và Thông tư 05/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy có hiệu lực từ ngày 10/3, quy chế thi THPT và xét tuyển đại học trong năm 2017 có nhiều điểm mới đáng chú ý như: Thay đổi về số lượng bài thi THPT, 5 bài thi thay vì tổ chức 8 môn thi như trước đây.
Cụ thể, 3 bài thi độc lập Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn. Hai bài thi tổ hợp, trong đó có một bài thi khoa học tự nhiên gồm tổ hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học; một bài thi khoa học xã hội gồm tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Trong khi đó, Thông tư 05 quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển đại học không giới hạn số nguyện vọng, số trường và nguyện vọng sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.
Nguồn: Phương Thảo/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương