menu search
Đóng menu
Đóng

Chủ tịch MBC: Doanh nghiệp Nhà nước nhanh chóng tái cấu trúc để tham gia TPP

08:00 19/10/2015

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Lãnh đạo doanh nghiệp Công Thương (MBC).

Vinanet - Các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cần tận dụng thời gian linh hoạt này để nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh của mình thông qua việc tái cấu trúc, áp dụng mô hình quản trị hiện đại nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Đó là chia sẻ của ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Chủ tịch Câu lạc bộ Lãnh đạo doanh nghiệp Công Thương (MBC) với Vinanet khi nói về các DNNN trước ngưỡng cửa TPP (Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương). 

Câu lạc bộ Lãnh đạo doanh nghiệp Công Thương (MBC) ra đời, đúng vào dịp kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), ý tưởng thành lập câu lạc bộ xuất phát từ đâu, thưa ông? 

Ông Vũ Văn Cường: Nguyện vọng thành lập một sân chơi thiết thực, bình đẳng, bổ ích và chuyên nghiệp cho lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương đã được lãnh đạo Bộ Công Thương và lãnh đạo các đơn vị ấp ủ từ lâu. Sau một thời gian nghiên cứu và tham khảo kỹ lưỡng các mô hình trong và ngoài nước, một ban vận động đã được hình thành và khẩn trương chuẩn bị các bước cần thiết để hiện thực hóa ý tưởng đầy ý nghĩa này. 

Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Lãnh đạo Bộ Công Thương, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng, và được sự hợp tác nhiệt tình của đồng chí lãnh đạo các doanh nghiệp là các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương, đề cương thành lập MBC đã dần được hoàn thiện và chính thức được đánh mốc son bằng việc thành lập Câu lạc bộ ngày hôm nay.

Vậy với cương vị chủ tịch, ông kỳ vọng gì ở câu lạc bộ với các thành viên là những tập đoàn, tổng công ty lớn của ngành Công Thương cũng như nền kinh tế đất nước?

Câu lạc bộ bước đầu gồm 189 hội viên với 47 hội viên danh dự và hội viên khách mời; 141 hội viên chính thức là các đồng chí chủ tịch, tổng giám đốc, ban điều hành thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty lớn đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin),...

Câu lạc bộ hoạt động với các mục tiêu: Thứ nhất, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong ngành Công Thương, hỗ trợ, hợp tác phát triển bền vững. Thứ hai, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương, để tham vấn các định hướng, chính sách và giải pháp kịp thời giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững ngành Công Thương. Thứ ba, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc gia tăng sử dụng các sản phẩm của nhau trong các doanh nghiệp ngành. Thứ tư, chia sẻ thông tin, thảo luận những vấn đề về sản xuất, kinh doanh như hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường kinh doanh, thị trường, quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Câu lạc bộ kỳ vọng rằng các nhà lãnh đạo thông qua mối liên kết, hợp tác chia sẻ, có những sáng kiến đưa doanh nghiệp của mình hội nhập thành công. Đồng thời, câu lạc bộ cũng kỳ vọng xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra khu vực và thế giới.

Một trong những mục tiêu đưa ra của câu lạc bộ là đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông có thể chia sẻ rõ hơn về kế hoạch thực hiện mục tiêu này trong thời gian tới của CLB không?

Trải qua gần 6 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có những kết quả đáng khích lệ. Thông qua cuộc vận động, hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. 

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi đáng kể nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu của mình để đáp ứng mong mỏi của người tiêu dùng. Cuộc vận động cũng đã giúp cho người tiêu dùng thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, thay đổi quan điểm của người tiêu dùng về các sản phẩm của Việt Nam, mang thương hiệu Việt Nam.

Với vai trò là những doanh nghiệp hàng đầu, các hội viên sẽ tích cực phối hợp nhằm đẩy mạnh cuộc vận động, ban lãnh đạo câu lạc bộ sẽ nghiên cứu để đưa nội dung này vào các kỳ sinh hoạt tiếp theo. 

Trước bối cảnh Hiệp định TPP vừa được kết thúc đàm phán, đứng đầu một doanh nghiệp lớn, ông đánh giá thế nào về những cơ hội, thách thức đối với giới doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia TPP?

Việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể nói sẽ mở ra một vận hội mới cho nền kinh tế Việt Nam. Điều này mang lại cơ hội lớn và thách thức không nhỏ cho tất cả các doanh nghiệp trong nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng.

Tôi cho rằng những cơ hội từ TPP không trực tiếp mang lại lợi ích, không tự nó biến thành sức mạnh cho doanh nghiệp. Mặt khác, nếu doanh nghiệp chủ động tích cực hội nhập thì hoàn toàn có khả năng khắc phục những thách thức mà TPP mang lại.

Vậy theo ông, khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh hội nhập là gì?

Khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh hội nhập là sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu. Điều này thể hiện ở chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ máy móc, hệ thống quản lý, nguồn vốn hạn chế,…của các doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn còn một khoảng cách khá xa so với doanh nghiệp nước ngoài.

Tham gia Hiệp định TPP, các DNNN phải thay đổi cách thức quản lý, nâng cao sức cạnh tranh, nâng chất lượng sản phẩm, minh bạch hóa thông tin tài chính,... Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?  Các doanh nghiệp trong câu lạc bộ MBC sẽ phải chuẩn bị những gì để ra sân chơi lớn, thưa ông?

Đây là những vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Trong đàm phán TPP, các nước đã dành cho Việt Nam sự linh hoạt đáng kể trong việc thực thi tiêu chuẩn chung của TPP. Việt Nam là nước được dành nhiều linh hoạt nhất trong việc thực thi các cam kết khó trong TPP.  

Các doanh nghiệp cần tận dụng thời gian linh hoạt này để nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh của mình thông qua việc tái cấu trúc, áp dụng mô hình quản trị hiện đại nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tôi hy vọng rằng thông qua câu lạc bộ, các doanh nghiệp sẽ có một diễn đàn nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm đối với vấn đề hết sức quan trọng này. 

Khi nền kinh tế ngày càng mở cửa rộng hơn, câu lạc bộ ngành Công Thương có kế hoạch hợp tác quốc tế không, hay chỉ giới hạn hội viên trong nước, thưa ông?

Trước mắt, câu lạc bộ sẵn sàng mở cửa đối với các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, về lâu dài với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và hoàn tất đàm phán thì Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với gần 60 nền kinh tế. Toàn cầu hóa là xu thế bắt buộc, kết nối trong hội nhập và phát triển bền vững là tất yếu. Tôi tin rằng câu lạc bộ cũng sẽ không nằm ngoài xu thế đó, sẽ từng bước hội nhập phát triển cùng với dòng chảy của thời đại.

Xin cảm ơn ông!

 

Huyền Thương