menu search
Đóng menu
Đóng

Công bố chính thức 88 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia

10:38 24/11/2016

Không phải doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia thì tất cả sản phẩm của doanh nghiệp đó đều là Thương hiệu quốc gia.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại buổi họp báo công bố các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Vietnam value 2016.
Trước câu hỏi của báo chí về việc vì sao sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã gây bức xúc cho người tiêu dùng trong thời gian qua mà doanh nghiệp này vẫn đủ tiêu chí xét chọn và đạt Thương hiệu Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định “Không phải doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia thì tất cả sản phẩm của doanh nghiệp đó đều là Thương hiệu quốc gia”. Ở kỳ xét chọn này, Tân Hiệp Pháp chỉ có 2 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia đó là Trà thảo mộc Dr. Thanh và Trà xanh 0 độ. Đến thời điểm hiện nay, vấn đề của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát đã được giải quyết chọn vẹn. Ban thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã tổ chức nhiều lần để lấy ý kiến từ các Bộ ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan Công an, các đơn vị liên quan đến môi trường… để trả lời về những thắc mắc mà người tiêu dùng cũng như các cơ quan đưa ra.
Ban tổ chức chương trình cũng thông báo, trong 88 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2016, có 23 doanh nghiệp 05 lần liên tiếp được vinh danh, trong đó có các tên tuổi lớn như: Việt Tiến; Sabeco; Hòa Bình; Vina coffe; Vietcombank; An Phước; Biti’s; VNPT; vàng SJC; Cao su vina; Nhựa bình minh…
Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia chủ yếu thuộc 16 ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp sản xuất, cụ thể như: Cơ khí, máy móc, thiết bị; Dệt may – da giầy; Điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông; Đồ gỗ, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ; Đồ trang sức, kim hoàn, đá quý; Dược phẩm, hóa mỹ phẩm; Giấy, văn phòng phẩm, bao bì; Năng lượng, khoáng sản; Nhựa, cao su, hóa chất; Nông, lâm, thủy sản; Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Thực phẩm, đồ uống; Thương mại, dịch vụ; Vận tải, du lịch; Vật tư nông nghiệp; Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản.
Đây cũng chính là mong muốn mà chương trình hướng tới bởi Việt Nam đang phát triển theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các lĩnh vực trên phù hợp với xu hướng mà nước ta đang thực hiện.
Để kết nối các doanh nghiệp sau khi đạt Thương hiệu Quốc gia, với mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sau khi mang Thương hiệu sẽ tự chủ hơn, từ năm 2015, Ban tổ chức Chương trình đã thành lập một nhóm, một diễn đàn riêng. Diễn đàn này được tổ chức nhằm đề xuất ra những ý tưởng, ý kiến, những hoạt động và sáng kiến mới, giúp cho Ban thư ký chương trình Thương hiệu Quốc gia làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
“Từ năm 2017 trở đi, Ban tổ chức Chương trìnhsẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Diễn đàn này trong khuôn khổ hoạt động của chương trình Thương hiệu Quốc gia. Hướng tới xây dựng một tổ chức có cơ sở pháp lý, có căn cứ hơn” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định việc lựa chọn các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia không vì mục đích thành tích, cũng không chịu sức ép về số lượng. Bộ tiêu chí mà chương trình đưa ra chính là “thước đo” để tuyển chọn “hiền tài”. Chương trình không phải là giải thưởng, các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia là bước khởi đầu cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Công Thương sẽ cùng các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia xây dựng Thương hiệu cho chính doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đạt giá trị trên toàn cầu sẽ mang lại hình ảnh cho quốc gia.
Thứ trưởng cũng mong muốn, doanh nghiệp sau khi đạt Thương hiệu Quốc gia sẽ đóng góp, tham mưu, đề xuất để hoạt động của Ban Thư ký có hiệu quả thiết thực, xây dựng chương trình mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như đất nước.
Nguồn: Quyên Lưu/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương