Theo Bộ Công Thương, Thành phố Hà Nội đã đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tình huống có thể xảy ra.
Hiện nay, các doanh nghiệp phân phối đã chủ động nguồn cung hàng hóa tăng từ 3 đến 5 lần tại các kho hàng và tại các kho ở siêu thị, sẵn sàng cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô. Các siêu thị và nhà sản xuất cũng cam kết không tăng giá bán vào thời điểm này, không để đứt gãy, thiếu hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu cho người dân.
Ngay trong chiều ngày 18/7, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội về việc đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.
Hà Nội chuẩn bị phương án dự trữ hàng hoá tăng gấp 5 lần
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện tại doanh nghiệp đã dự trữ tăng từ 30%-50% lượng hàng hóa thiết yếu, đồng thời, để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm; Doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng có nhu cầu tang cao.
Hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 (phương án dự trữ hàng cao nhất) của Sở Công Thương Hà Nội trong thời gian 03 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (15 mặt hàng thiết yếu), và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.
Để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân, Sở Công Thương đã đề nghị các hệ thống phân phối cần chủ động hơn nữa nắm sát tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác phòng chống dịch… có phương án chi tiết thu mua hàng hóa, đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa từ các kho hàng: kho từ các tỉnh đến kho trong địa bàn thành phố, từ kho của Thành phố đến các điểm bán hàng, đặc biệt quan tâm bố trí nhân lực sắp xếp hàng hóa trên các giá kệ phục vụ nhu cầu của nhân dân, không được thiếu hàng cục bộ, kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo ATTP, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động và người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K về phòng chống dịch, phân luồng, đảm bảo giãn cách tại các điểm bán, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch cho người lao động hạn chế tối đa người lao động bị nhiễm dịch để đảm bảo nguồn nhân lực.
Sở Công Thương Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp cho các hệ thống phân phối các doanh nghiệp có nguồn cung thiết yếu của các tỉnh, thành phố và Hà Nội để các doanh nghiệp chủ động kết nối nguồn cung, tăng lượng hàng phục vụ nhân dân. Đồng thời, sẵn sàng huy động 236 xe trưng dụng tại các quận, huyện, cùng với nhà cung cấp đưa hàng kịp thời đến các điểm bán, đề nghị Tổng công ty vận tải Hà Nội hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội và từ các kho tới các điểm bán trên toàn thành phố.
Hiện, Sở Công Thương cũng đã chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi tham gia vận chuyển hàng hóa đảm bảo lưu thông thuận tiện nhất, giảm chi phí về logictic.
Cũng trong chiều ngày 18/7, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã vào cuộc, kiểm tra tại nhiều địa bàn để đảm bảo không xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá…
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đi kiểm tra một số điểm bán hàng trong chiều 18/7.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123. siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Để phục vụ công tác phòng chống dịch covid 19, Thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Mặc dù đang phải đối mặt với một khó khăn (nguồn nhân lực, vận chuyển hàng hóa qua địa phận các tỉnh, một số mặt hàng thiết yếu đang phải cung cấp cho các tỉnh phía Nam…) song trong bất kỳ tình huống nào các hàng hóa cũng đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, bán hàng onile… để hạn chế tập trung đông người tại hệ thống phân phối.
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân yên tâm không tích trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đông người đến các hệ thống phân phối nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh. Bộ Công Thương đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường, phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hà Nội, chỉ đạo Sở Công Thương cũng như các doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.
Kiên quyết không để nhân dân thiếu thực phẩm, rau quả, thuốc men
Liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, sáng 18/7, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng họp trực tuyến với 19 tỉnh phía Nam bàn giải pháp cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân.
Hai Bộ Công Thương - Nông Nghiệp họp trực tuyến với 19 tỉnh thành phía Nam
Trong khuôn khổ cuộc họp, các địa phương đề xuất mở lại chợ truyền thống trong điều kiện phòng dịch chặt chẽ, thực hiện 5K và tiêm vaccine cho tiểu thương. Các địa phương cho biết đều sẵn sàng phối hợp với TPHCM để cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, các địa phương đều cam kết làm hết sức để bảo đảm cung ứng hàng hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Với đề xuất mở lại chợ truyền thống đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khuyến cáo, các địa phương phải kiện toàn hệ thống phân phối; duy trì các chợ truyền thống, chợ đầu mối trong điều kiện đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch COVID-19 và các tiểu thương phải được tiêm vaccine.
Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến thời điểm hiện nay trên toàn thành phố có 191/237 chợ tạm ngưng hoạt động, trong đó có 3 chợ đầu mối và 188 chợ truyền thống. Các chợ đã khôi phục hoạt động sau khi tạm ngưng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch có chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Phú Thọ.
Nhằm “chia lửa” cho hệ thống siêu thị, cử hàng tiện lợi đang quá tải hiện nay, thành phố sẽ cho khôi phục hoạt động các chợ truyền thống ở những khu vực tương đối an toàn. Mỗi chợ sẽ không mở cửa lại toàn bộ mà chỉ lựa chọn một số tiểu thương có đủ năng lực tổ chức hoạt động với mô hình điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả, thịt cá, để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn. Đơn cử như chợ Phú Thọ với 6 tiểu thương kinh doanh, chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.
Các địa phương dự kiến mở các điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả tại chợ trong tuần sau, sau khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương và phương án tổ chức hoạt động chợ được duyệt. Cụ thể tại quận Bình Tân là chợ Kiến Thành; quận 5 có chợ Xã Tây; quận 6 có 2 chợ gồm chợ Phú Định và chợ Minh Phụng; quận 8 có 2 chợ là chợ Phú Lợi 1 và chợ Phú Định; quận 10 có chợ Nhật Tảo; huyện Bình Chánh có chợ Bà Lát, chợ Vĩnh Lộc A; huyện Hóc Môn là chợ Hóc Môn; huyện Nhà Bè dự kiến 2 chợ.
Song song đó, Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai mô hình bán hàng trực tuyến tại các chợ trên địa bàn như: Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hoà Đông, Nguyễn Văn Trỗi, Bàn Cờ, Bùi Phát, chợ Phạm Văn Cội, chợ Tân Phong, chợ Phước Thạnh...
Hiện ban quản lý các chợ đã kết nối, triển khai đến các tiểu thương thực hiện duy trì việc cung ứng hàng hóa cho người dân bằng hình thức bán hàng qua điện thoại. Theo đó tiểu thương đăng ký với ban quản lý thông tin tham gia bán hàng để ban quản lý thiết lập poster quảng bá ngay tại cổng chính chợ, treo thông tin xung quanh chợ, nơi người dân dễ nhận thấy nhất. Hiện nay nhiều tiểu thương đã đăng ký tham gia việc bán hàng trên zalo, facebook và fanpage của chợ thể hiện đầy đủ số điện thoại, địa chỉ liên lạc khi người dân có nhu cầu.
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương