menu search
Đóng menu
Đóng

Đàm phán TPP chưa hết bất đồng

10:35 13/07/2015

Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa cập nhật bản mới nhất về tình hình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong một số lĩnh vực cơ bản.
Dệt may, da giày: khó

Bên cạnh các quy định về biện pháp tự vệ thông thường (tương tự như trong WTO), đàm phán dệt may TPP còn có đề xuất về biện pháp tự vệ đặc biệt chỉ áp dụng cho hàng dệt may, với các cơ chế riêng, cho phép áp dụng biện pháp tự vệ theo các điều kiện dễ dàng hơn so với điều kiện chung trong WTO.

Quy định này nhằm bảo vệ nước nhập khẩu (chủ yếu là Hoa Kỳ) trước nguy cơ hàng dệt may ồ ạt vào thị trường gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Hiện chưa có thông tin đầy đủ về dự kiến cơ chế này trong đàm phán, tuy nhiên có thể là 1 trong 2 mô hình tự vệ đặc biệt tại FTA Hoa Kỳ - Singapore (mô hình chặt) hoặc FTA Hoa Kỳ - Hàn Quốc (mô hình lỏng hơn). Đối với Việt Nam - nước xuất khẩu dệt may lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ trong TPP - về lý thuyết đây là điều khoản bất lợi cho DN xuất khẩu.

Tuy nhiên, xét năng lực hiện tại và triển vọng đầu tư phát triển thời gian tới, ít có khả năng hàng dệt may từ Việt Nam sang các nước TPP sẽ tăng đột biến. Hơn nữa, Hoa Kỳ hầu như không có ngành may nội địa sản xuất hàng tương tự với hàng dệt may Việt Nam, do đó yếu tố thiệt hại nghiêm trọng gây ra cho ngành sản xuất nội địa (điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ) hầu như không tồn tại.

Về giày dép, đàm phán liên quan tới các sản phẩm giày dép trong TPP nằm trong khuôn khổ đàm phán mở cửa hàng hóa nói chung (không phải riêng như dệt may). Dù vậy đây là nhóm sản phẩm Hoa Kỳ và Việt Nam có mối quan tâm đặc biệt (Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất trong TPP vào Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn, với mức thuế quan hiện đang duy trì khá cao: 10-66%).

Trong một số phát ngôn chính thức từ các quan chức đàm phán, Việt Nam khẳng định dệt may và giày dép là 2 ưu tiên quan trọng trong đàm phán TPP. Về phía Hoa Kỳ, trong nhiều cuộc gặp gỡ với các bên liên quan, trong đó có VCCI, Hoa Kỳ cũng nêu rõ quan điểm hạn chế việc mở cửa thị trường cho giày dép Việt Nam nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa của mình. So với các sản phẩm khác, giày dép được Hoa Kỳ tiếp cận như là nhóm nhạy cảm, cần bảo hộ bằng thuế quan.

Trên thực tế, Hoa Kỳ có ngành sản xuất giày dép nhưng khá nhỏ (do phần lớn được các công ty đưa ra sản xuất ở nước ngoài). Tuy nhiên, cùng với dệt may, thép, đường… giày dép ở Hoa Kỳ được tập trung nhiều vào khâu có giá trị gia tăng cao như thiết kế, phân phối. Xét trong tổng nhập khẩu giày dép vào Hoa Kỳ thì từ Việt Nam chỉ khoảng 7-8%, đứng thứ hai sau Trung Quốc (85% tổng lượng nhập khẩu). Tuy nhiên, Việt Nam lại là nước xuất khẩu giày dép lớn nhất vào Hoa Kỳ trong số các nước TPP hiện tại.

Theo một số nguồn tin đáng tin cậy, trong đàm phán liên quan tới quy tắc xuất xứ giày dép, Hoa Kỳ có yêu cầu khá cao về tỷ lệ nội khối (từ các nước TPP). Dù có thể với một vài công ty giày dép từ các nước TPP có sản xuất tại Việt Nam vấn đề này không lớn (bởi họ có nguồn cung ổn định), nhưng đối với phần lớn DN giày dép Việt Nam (chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ các nước ngoài TPP), yêu cầu xuất xứ nội khối quá cao sẽ là thách thức lớn. Thậm chí có thể khiến các nhượng bộ của Hoa Kỳ về thuế quan Việt Nam đạt được không còn ý nghĩa thực tế.

Nông sản: mở cửa dễ nhưng khó xuất


Trong TPP, mở cửa thị trường nông sản là vấn đề đàm phán khó khăn. Thí dụ, Nhật Bản đã tuyên bố rõ ràng về việc bảo vệ một số sản phẩm nông sản nước này coi là “thiêng liêng” và không thể nhượng bộ (thịt, sữa, đường, gạo và lúa mì). Hoa Kỳ thì khăng khăng giữ thị trường đường, may mặc... Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu rất lớn trong việc tiếp cận thị trường các nước TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Mỹ.

So với tình hình chung về đàm phán mở cửa thị trường nông sản trong TPP, Việt Nam có một số lợi thế nhất định. Đó là nông sản nhiệt đới, bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp với nông sản sản xuất tại các thị trường mục tiêu.

Đối với một số thị trường khó khăn, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam đã có cam kết song phương ở mức độ tự do tương đối (thí dụ với Nhật Bản là Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Nhật Bản - VJEPA), nên việc đàm phán trong TPP có thể thừa hưởng cam kết đã có, việc mở cửa thêm cũng đơn giản hơn. Mặt khác, trong một chừng mực nhất định, đối với các nước nhập khẩu, mở cửa thị trường thông qua loại bỏ thuế quan không đồng nghĩa với việc nông sản Việt Nam có thể bước vào thị trường đó.

Các mặt hàng dệt may, giày dép găp khó do quy tắc xuất xứ.

Thí dụ, Hoa Kỳ duy trì một hàng rào kỹ thuật rất cao đối với nông sản nhập khẩu, bao gồm hàng rào ban đầu cho loại nông sản được phép vào thị trường này (cho tới nay mới chỉ có 4 loại quả của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ là thanh long, chôm chôm và vải, nhãn); hàng rào cho mỗi lô hàng nông sản nhập khẩu (khu vực trồng phải được gắn mã và quản lý, quy trình kỹ thuật chăm sóc trước thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn, thủ tục chiếu xạ trước khi xuất khẩu…).

Do đó, đối với một số nước nhập khẩu, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với nông sản Việt Nam không phải quá khó khăn.

Nguồn:Sài gòn đầu tư tài chính