menu search
Đóng menu
Đóng

Diệt hàng giả, phải trao quyền và quy trách nhiệm cho địa phương

09:50 23/11/2017

Vinanet - Số lượng hàng giả hàng nhái của một thương hiệu đã lên tới hàng chục nghìn sản phẩm. Để sản xuất ra sản lượng ấy, các đối tượng phải có hệ thống nhà xưởng, máy móc lớn. Vậy tại sao lực lượng chức năng ở các địa phương lại không phát hiện ra? 

Hàng giả - Chưa khi nào “hạ nhiệt”

Đây là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp đặt ra tại hội thảo “Tăng cường công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp” diễn ra ngày 21/11, tại TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù đã thực hiện hàng loạt giải pháp ở tất cả các địa phương, song tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm sút. Ngược lại, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng. Vấn đề này đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trương Văn Ba - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia - đánh giá, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT diễn ra ngày càng tinh vi, mức độ xâm hại nghiêm trọng và mở rộng ra nhiều địa bàn trong cả nước.

Năm 2016, các cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý trên 223.000 vụ việc, tăng 8,23% so với năm 2015; nộp ngân sách Nhà nước gần 21.560 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm 2015; khởi tố 1.561 vụ với trên 1.800 đối tượng. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, đã xử lý 181.000 vụ, khởi tố 160 vụ với 1.500 đối tượng, thu phạt 17.000 tỷ đồng.

Đánh giá về những con số trên, trong phiên chất vất của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia - Đinh Tiến Dũng - cho rằng, kết quả này còn chưa tương xứng với thực tế. Nguyên nhân là do địa hình đường biên Việt Nam dài, hiểm trở, nhiều khu vực xa xôi, hẻo lánh khó tiếp cận; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quản lý và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa đồng bộ, thống nhất. Hơn nữa, việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung còn chậm gây chồng chéo, khó khăn trong công tác xử lý của các ngành, đơn vị chức năng.

Doanh nghiệp phải chung tay

Để tiếp tục ngăn chặn hiệu quả hơn nữa, ông Trương Văn Ba đề xuất: Ban chỉ đạo 389 quốc gia phải chỉ đạo quyết liệt các địa phương đẩy mạnh công tác này.

“Riêng với doanh nghiệp, để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp đừng thụ động mà phải xắn tay vào làm rốt ráo. Đừng sợ mất thương hiệu, vì nếu không chống hàng giả thì thương hiệu sẽ bị ăn mòn dần. Bởi vậy, doanh nghiệp phải hợp tác với cơ quan chức năng và hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt hàng giả với hàng thật của doanh nghiệp mình sản xuất” - ông Ba đề nghị.

Là một trong những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả với quy mô lớn, ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Nón Sơn - cho biết, số lượng sản phẩm hàng giả thương hiệu Nón Sơn ngày càng lớn và tinh vi. Nếu như trước kia, các đối tượng chỉ làm giả kiểu dáng thì đến nay đã giả 100%.

Ông Nguyễn Ngọc Tý chia sẻ, trong năm 2017, 3 thị trường phát hiện nhiều hàng nhái nhất là TP. Hồ Chí Minh, miền Tây Nam bộ và tỉnh Gia Lai. Điều đáng nói, hàng giả chủ yếu được sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh sau đó đi phân phối khắp các tỉnh thành khác. Trước đây, khi công ty phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện tối đa là 1.000 sản phẩm giả/vụ nhưng vừa rồi ở Đắk Lắk phát hiện trên 5.000 sản phẩm giả/vụ.

Kiến nghị từ thực tế

Từ thực tế doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Ngọc Tý đề xuất, để giải quyết được vấn nạn hàng giả hàng nhái, phải giao quyền và trách nhiệm cho từng địa phương, địa phương nào để xảy ra tình trạng hàng giả hàng nhái, địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

“Để sản xuất ra mũ bảo hiểm giả đòi hỏi phải có cơ sở sản xuất lớn, có máy móc, công nghệ, công nhân, xe vận tải, hoạt động sản xuất cũng gây ra âm thanh tiếng ồn… tại sao cơ quan chức năng không phát hiện ra” - ông Tý đặt câu hỏi.

Cũng với kinh nghiệm từ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Đào - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào (Kiên Giang) - chia sẻ, công ty có 15 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu sản xuất mỹ phẩm với thương hiệu "Sứ Tiên". Sản phẩm của Anh Đào đã có mặt tại 63 tỉnh thành và được số đông phụ nữ đón nhận. Hiện nay, trên thị trường đã có nhiều sản phẩm làm giả thương hiệu của công ty.

Bởi vậy, “công ty đã tự bảo vệ mình và bảo vệ người tiêu dùng bằng việc sử dụng "Tem truy xuất nguồn gốc” với 4 mẫu tượng trưng kèm theo, gồm mẫu màu cam, mẫu màu tím, mẫu màu xám và mẫu màu đen. Mỗi khu vực, mỗi tỉnh sẽ được định danh để không có tình trạng bán lấn tuyến, phá giá tại các tỉnh” - bà Đào cho biết.

Đối với các cơ quan chức năng, bà Đào kiến nghị, các cơ quan có chức năng kiểm tra, xử lý các vụ việc liên quan đến hàng giả, xâm phạm SHTT cần công tâm, tránh nhũng nhiễu doanh nghiệp, và giải quyết mọi việc thấu tình đạt lý, đến nơi đến chốn, tuân thủ pháp luật. “Có như vậy mới lấy lại lòng tin của doanh nghiệp và người dân” - bà Đào khẳng định.

Nguồn: Baocongthuong.com.vn