menu search
Đóng menu
Đóng

Dừng điện hạt nhân để ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

10:09 23/11/2016

Khẳng định này được Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, người phát ngôn của Bộ Công Thương đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề về quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận diễn ra vào chiều ngày 22/11/2016 tại Hà Nội.

Ưu tiên cho các dự án cấp thiết, hiệu quả hơn

Trả lời các câu hỏi đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ về quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, người phát ngôn của Bộ Công Thương phân tích “Quan điểm của Chính phủ cũng như quyết định của Quốc hội về việc dừng dự án quả là khó khăn vì kể từ Nghị quyết 41 của Quốc hội (năm 2009) đến nay cũng đã 7 năm, các cơ quan đã triển khai những bước quan trọng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc dừng được xác định là để ưu tiên cho các dự án cấp thiết, hiệu quả hơn. Tôi tin đây là quyết định đúng đắn của Chính phủ, Quốc hội để sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực vốn dĩ  không phải dồi dào hiện nay của Việt Nam” và cho rằng "qua việc này chúng ta cũng có bài học sâu sắc, làm sao nâng cao trình độ cán bộ nhất là cán bộ làm chính sách chiến lược, quy hoạch chiến lược sát thực tiễn hơn".

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, người phát ngôn của Bộ Công Thương phát biểu tại buổi họp báo

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, dự án điện hạt nhân với sự hỗ trợ của Nga, Nhật Bản đã triển khai, chủ yếu giai đoạn chuẩn bị dự án. Hiện nay, đã xong báo cáo nghiên cứu khả thi, đã tiến hành một số hạng mục như giải phóng mặt bằng. Đồng thời, cũng đã đưa khoảng 400 học sinh, sinh viên sang Nga, Nhật để học các chương trình năng lượng nguyên tử, hạt nhân. Để giải quyết các vấn đề còn dang dở hiện nay, sẽ thực hiện theo hướng những hạng mục công việc đang triển khai thì tiếp tục sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận. Phần lớn số nhân lực này vẫn được đào tạo tiếp vì đây là nguồn lao động không chỉ cần cho việc vận hành nhà máy điện hạt nhân mà những kỹ sư, những tài năng về vật lý hạt nhân, nguyên tử thì cũng vẫn rất cần cho quá trình phát triển đất nước. Nguồn nhân lực này đào tạo về xong vẫn có thể tham gia trong việc vận hành các nhà máy nhiệt điện.

Thứ trưởng cho biết, khi Quốc hội quyết định việc dừng dự án, hệ thống điện phục vụ cho thi công, Tập đoàn Điện lực sẽ giao cho Tổng Công ty Điện lực II, cụ thể là Công ty điện lực Ninh Thuận. Tòa nhà của Ban Quản lý dự án thì được bàn giao cho Ban Quản lý dự án điện Bắc Ái.

Trả lời câu hỏi về bài học rút ra, Thứ trưởng Công Thương cho biết, công tác dự báo, quy hoạch luôn là một việc khó khi buộc phải đưa ra một chiến lược tầm nhìn dài hạn. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Riêng thị trường năng lượng, 4-5 năm trước thì không ai có thể nghĩ giá dầu giảm mạnh và giảm sâu như hiện nay. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng xác nhận: “Qua đây cũng phải thấy bài học sâu sắc với đội ngũ những nhà hoạch định chính sách, dự báo để đề ra những chiến lược quan trọng, dài hơi”.

 

Tại buổi họp báo chuyên đề, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết việc dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không phải với lý do công nghệ, an toàn mà do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.

Cụ thể tình hình phát triển vĩ mô của Việt Nam hiện nay có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư Dự án, dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian và đăc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua. Mặc khác, nước ta đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạng tầng đồng bộ, hiện đại để tạo động lược cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như nguồn vốn để giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.

Giải pháp thay thế

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ các giải pháp thay thế cho Dự án trong giai đoạn tới. Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, Chính phủ sẽ xem xét đầu tư thay thế các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và các nhà máy tua bin khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu với tổng công suất khoảng 6.000 MW để đủ năng lực bảo đảm sản lượng điện sản xuất tương đương với các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Tiếp theo, giai đoạn sau 2030, Chính phủ sẽ xem xét tiếp tục phát triển hợp lý các nguồn nhiệt điện than, khí thiên nhiên hóa lỏng và đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, đẩy mạnh thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua tái cơ cấu kinh tế hướng đến các ngành sản xuất xanh có công nghệ thân thiện, tiết kiệm năng lượng; tăng cường liên kết lưới điện và hợp tác mua bán điện với các nước láng giềng.

Không ảnh hưởng đến quan hệ với Nga và Nhật Bản

Việc dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Chính phủ Việt Nam trao đổi với các đối tác Nga, Nhật Bản cùng với thời điểm báo cáo Quốc hội xin chủ trương dừng thực hiện Dự án. Mặc dù các đối tác Nga và Nhật Bản đều bày tỏ sự đáng tiếc về việc dừng thực hiện Dự án với nhiều kết quả đã đạt được trong hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, song về cơ bản các đối tác Nga và Nhật Bản đều thể hiện quan hệ hữu nghị, bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với Việt Nam về quyết định  này do điều kiện kinh tế của Việt Nam. Đồng thời Chính phủ Nga và Nhật Bản mong muốn sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam một số lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng để thay thế cho hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng, việc dừng thực hiện Dự án không làm ảnh hưởng đến quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Liên bang Nga và quan hệ Đối tác Sâu rộng với Nhật Bản. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi với Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản về hợp tác thực hiện các dự án trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế, thương mại, v.v… mà các doanh nghiệp của Liên bang Nga và Nhật Bản có thế mạnh, đồng thời phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.  Chính phủ tiếp tục quan tâm đến việc phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận, có giải pháp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư tại Ninh Thuận khi dừng Dự án.

Nguồn: Phương Thảo/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương