Mục tiêu của EWEC
EWEC nhằm thực hiện 3 mục tiêu gồm:
- Tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển giữa bốn quốc gia thành viên;
- Giảm chi phí vận chuyển trong khu vực ảnh hưởng hành lang và làm cho vận chuyển hàng hóa và người dân hiệu quả hơn;
- Giảm nghèo và hỗ trợ sự phát triển của khu vực nông thôn và biên giới dọc theo EWEC.
Hợp tác EWEC đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tiểu vùng và khu vực như: Giảm chi phí vận tải và giao dịch xuyên biên giới, thúc đẩy phát triển dịch vụ hậu cần, đầu tư và du lịch dọc hành lang kinh tế Đông – Tây, giúp các quốc gia tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa cho các thành phố; phát triển các hoạt động kinh tế mới qua đó hình thành các khu vực kinh tế xuyên quốc gia; tạo điều kiện cho luồng hàng hóa của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) thâm nhập vào các thị trường đầy tiềm năng của các nước thuộc khu vực Nam Á và Tây Á.
Sự tham gia của Việt Nam vào EWEC và một số kết quả đạt được
Ở Việt Nam, EWEC bắt đầu từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị chạy dọc theo đường 9, kết nối với Quốc lộ 1A ở Đông Hà, vào Thừa Thiên Huế, qua đường hầm đèo Hải Vân đến cảng biển Đà Nẵng.
Với những chuyển động mạnh mẽ trên EWEC và sự quan tâm, đầu tư của ADB và chính phủ Nhật Bản, “hạ tầng cứng” của EWEC thời gian qua đã được đầu tư đúng mức và bước đầu phát huy hiệu quả tốt. Từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo qua Đông hà (Quảng Trị) và kết thúc tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đã có 3 dự án lớn được triển khai gồm dự án nâng cấp Quốc lộ 9 với tổng chiều dài 83,5km và Trạm kiểm soát liên ngành tại Lao Bảo – Dansavanh (Lào); dự án Hầm Hải Vân; và dự án Cảng Tiên Sa với công suất 4 triệu tấn/năm. Tại Myanmar, Thái Lan đã hỗ trợ nâng cấp tuyến đường bộ từ cảng Mawlamyine đến biên giới Thái – Myanmar. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Nhật Bản, cây cầu hữu nghị qua sông Me Kông nối Mukdahan (Thái Lan) và Dansavanh (Lào) hoàn thành cuối năm 2006 đã nối thông toàn bộ tuyến EWEC. Với sự ra đời của cây cầu này, hạ tầng giao thông EWEC cơ bản đã hoàn thành, tạo điều kiện đưa EWEC trở thành hành lang kinh tế đi vào hoạt động sớm nhất trong Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS).
“Hạ tầng mềm” cũng có nhiều bước chuyển quan trọng như đơn giản hoá thủ tục hải quan, triển khai Hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hoá qua lại biên giới giữa các nước GMS. Việt Nam và Lào đã ký Biên bản ghi nhớ về áp dụng mô hình kiểm tra “một cửa – một điểm dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo – Dansavanh vào ngày 30/6/2005.
Về giao thông đường bộ, hằng năm, mỗi nước cấp phép cho 500 xe vận tải (hàng hoặc hành khách) chạy qua các nước dọc theo EWEC. Đối với xe du lịch, hiện tại Việt Nam, Lào và Thái Lan đã ký Hiệp định 3 bên về phương tiện vận tải qua lại…trong đó, các xe du lịch từ Việt Nam sẽ được phép chạy qua lào, Thái Lan và ngược lại. Có thể nói, dù chỉ mới kết nối cơ bản, hiệu quả mà EWEC mang lại cho các quốc qua và địa phương trên tuyến thật là to lớn.
Một số thách thức với EWEC
EWEC đứng trước một số thách thức như cơ sở hạ tầng còn yếu kém, xuống cấp, các địa phương có tuyến đường đi qua hiện vẫn là những tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn. việc thiếu nguồn vốn để tiếp tục triển khai xây dựng mới hoặc để duy trì những cơ sở hạ tầng đã xây dựng ban đầu.
Việc thực hiện Hiệp định Vận tải qua biên giới trong khuôn khổ GMS (Hiệp định CBTA) của các nước GMS:
- Năm 2015, Myanmar với Thái – hai nước cuối cùng trong 6 nước GMS đã phê chuẩn Hiệp định, hoàn thành việc phê chuẩn Hiệp định CBTA.
- Trong năm 2015 và 2016, ADB đã họp với các nước GMS và xây dựng ra Bản ghi nhớ Thu hoạch sớm về việc thực hiện Hiệp định CBTA. Hiện giờ, các nước đang thực hiện triển khai thủ tục nội bộ trình Chính phủ để phê duyệt bản ghi nhớ. Các nước GMS đạt mục tiêu cố gắng hoàn thành việc ký Bản ghi nhớ và tổ chức thông xe trong năm 2017.
- Một số điểm nổi bật của Bản ghi nhớ Thu hoạch sớm về việc thực hiện Hiệp định CBTA như sau: (i) Áp dụng 500 phương tiện được phép vận tải hàng hóa và hành khách theo tuyến đường và cửa khẩu đã thống nhất; (ii) Tạm thời không dùng bảo lãnh hải quan.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương