UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” giai đoạn 2016-2020 và đánh giá 1 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP và biểu dương, tặng cờ thi đua, bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua.
Xây dựng, triển khai các chương trình, đề án bảo đảm ATTP
Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý về ATTP chặt chẽ, hiệu quả, duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Hà Nội đã thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác ATTP giữa 3 sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương. Các cấp, các ngành phối hợp kiểm tra, giám sát công tác ATTP trên địa bàn.
Ngành Y tế đã triển khai 2 hoạt động chương trình ATTP, gồm hoạt động tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh ATTP, và hoạt động Phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tiếp tục triển khai mô hình cảnh báo nhanh, các chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, ATTP tuyến phố văn minh tại các quận, huyện, thị.
Ngành Công Thương tham mưu cho thành phố ban hành QĐ 2228/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”. Sở Công Thương tích cực phối hợp với các UBND cấp quận, huyện, thị hướng dẫn các của hàng kinh doanh trái cây hoàn thiện các điều kiện theo quy định tại Đề án để được cấp biển nhận diện. Về đề án quản lý, đầu tư cải tạo và phát triển chợ trên địa bàn thành phố, xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản, Sở Công Thương phối hợp các Sở, ban, ngành triển khai khảo sát, nghiên cứu khả thi dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Sở cũng đã ban hành Kế hoạch số 1051/KH-SCT về đẩy mạnh sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn năm 2020, góp phần chống gian lận thương mại.
Ngành Nông nghiệp phát triển nông thôn: phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội thực hiện trong giai đoạn 2015-2020. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và các tỉnh, thành trong Ban điều phối cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố đã tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản, từ đó đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Duy trì trên 1300 ha VietGAP rau, quả, chè; 181ha VietGAP nuôi trồng thủy sản, 88 cơ sở VietGAP chăn nuôi, gần 40 ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành…Đồng thời, hỗ trợ nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm trong chuỗi và nhân rộng các mô hình chuỗi ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ trên địa bàn thành phố.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền về ATTP
Truyền thông và các hoạt động tuyên truyền về ATTP được đẩy mạnh, đặc biệt là vào các dịp tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, tháng hành động vì ATTP… Tăng cường công tác thông tin truyền thông về ATTP, đưa tin về các cơ sở làm tốt công tác ATTP, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP, truyền thông kiến thức, văn bản pháp quy mới về ATTP. Cơ quan quản lý đã chủ động phối hợp và huy động cơ quan thông tin truyền thông xây dựng chuyên trang chuyên mục về ATTP.
Thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và xử lý vi phạm.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm được tăng cường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm với nhiều hình thức. Trong năm 2020, thành phố đã tổ chức trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP, tập trung kiểm soát ATTP phục vụ Tết dương lịch, kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường và các chủng loại thực phẩm có mức tiêu thụ cao. Kết quả, đã kiểm tra 107.020 lượt cơ sở, phát hiện vi phạm, phạt tiền 6154 cơ sở, tiêu hủy nhiều loại gia cầm, thịt hỏng, không rõ nguồn gốc…
Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: thuongtruong.com.vn)
Công tác thực hiện các thủ tục hành chính về ATTP
Trong năm 2020, toàn thành phố đã cấp được 1339 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 1154 giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm, 166 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm…Thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về ATTP như xây dựng và duy trì tuyến phố ATTP có kiểm soát, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Bước đầu ứng dụng công nghê thông tin vào sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mai sản phẩm nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh được triển khai đã giúp người dân tiếp cận nhiều sản phẩm nông sản đặc sản vùng miền, có chất lượng, đảm bảo ATTP của cả nước và ngược lại.
Với những kết quả đã đạt được như trên, UBND thành phố đã đánh giá, ghi nhận và khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo ATTP. Tuy nhiên cùng với đó, cũng tồn tại một số khó khăn, thách thức như: đội ngũ cán bộ làm công tác vệ sinh ATTP ở các tuyến còn thiếu so với khối lượng và yêu cầu công việc ngày càng cao; do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số hoạt động thanh tra, kiểm tra, truyền thông về ATTP phải tạm dừng hoặc triển khai chậm so với kế hoạch; còn thiếu một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thực phẩm nên gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi áp dụng thực hiện tự công bố sản phẩm, và ảnh hưởng tới cơ quan quản lý khi đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình giám sát, kiểm tra.
Trong năm 2021, Hà Nội sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành công tác ATTP của các cấp, ngành, triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP; Chủ động và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trang ATTP, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên phương diện truyền thông đại chúng. Đẩy mạnh công tác truyền thông thường xuyên từ thành phố đến xã, phường nhằm nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP của các cá nhân, tổ chức trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về ATTP cần được tăng cường, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm. Chủ động tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Không chỉ vậy, cần triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về ATTP; Nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP; Duy trì và phát triển hệ thống phát hiện, điều tra giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ TP đến xã, phường, thị trấn; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Cải cách thủ tục hành chính về ATTP, nghiêm túc rà soát, tuân thủ phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ATTP theo thẩm quyền, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm tích hợp số liệu, hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về ATTP.
Nguồn:Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương