Tập trung mọi nguồn lực cho phát triển
Chia sẻ với báo chí tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn của Bộ Công Thương cho biết, trong 9 tháng năm 2022 kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid -19, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina...đã tác động đến sự hồi phục kinh tế toàn cầu, thị trường quốc tế có những diễn biến không thuận lợi, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu; xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng; giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, sinh hoạt tăng cao…. đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Theo đó, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 9,63%, cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 8,83%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (9 tháng/2021 tăng 4,45%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%, đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng/2021 tăng 3,9%). Trong đó tăng trưởng cao ở 2 nhóm ngành: Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tốc độ tăng 10,4% và Nhóm sản xuất và phân phối điện tăng 7,5%.
Đáng chú ý, điểm sáng trong sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 là, các ngành sản xuất đã bước vào giai đoạn phục hồi tính cực, cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng, cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 61/63 địa phương. Đảm bảo đủ điện, xăng dầu, nguyên vật liệu cơ bản cho sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng cao với cùng kỳ, đạt gần 558 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2%. Xuất khẩu tăng hơn gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm xuất khẩu tăng khoảng 8%). Đặc biệt, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở mặt hàng Việt Nam ta có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: hàng dệt may (tăng 24%) và da giày (tăng 36%) (ii) tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép...
Đối với thị trường trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm nay phục hồi tích cực, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5%), cao hơn mức tăng 9 tháng của năm trước dịch bệnh, tăng cao so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm tăng 7-8%). Điểm sáng của thị trường trong nước 9 tháng đầu năm là hàng hóa dồi dào, sức mua tăng trở lại, cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu cho đời sống, nguyên nhiên vật liệu cho thị trường được đảm bảo. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn giá các mặt hàng, nhất là giá xăng dầu. Triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ sản phẩm…
Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều diễn biến phức tạp, Người phát ngôn của Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm. Đó là: (1) Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành; (2) Khơi thông, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước; Và (3) tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên về các vấn đề nóng thuộc lĩnh vực quản lý của Ngành, bao gồm: Quản lý kinh doanh xăng dầu, năng lương, thương mại – xuất nhập khẩu …
Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cho mặt hàng xăng dầu
Chia sẻ về tình hình kinh doanh xăng dầu, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, thời gian qua, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa và tạm ngừng kinh doanh, tập trung ở các địa phương như TP HCM, An Giang, Đắk Lắk...
Lý giải về điều này, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.
Trong giai đoạn Quý II, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu (do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước), đây là giai đoạn giá xăng dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Sang Quý III (từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10), giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm, theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm liên tục. Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng.
Thứ hai, do thua lỗ nên nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.
Thứ ba, tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước (do giá tăng gấp 2-3 lần giá các năm trước) nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Thứ tư, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao trong khi các chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới đang rất khó khăn do nhu cầu hút hàng từ các nước Châu Âu, các doanh nghiệp đầu mối nhỏ, mới rất khó tiếp cận được nguồn hàng xăng dầu thế giới.
Thứ năm, một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của doanh nghiệp đầu mối bị tước Giấy phép này.
Thứ sáu, mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp. "Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận" - ông Trần Duy Đông chỉ rõ. Đồng thời, sáng 12/10, Bộ Công Thương cũng đã có cuộc họp với các doanh nghiệp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để lắng nghe ý kiến, tìm ra giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông, hiện nay, mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng cao. Để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp (mặc dù chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước đã được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh tăng và được áp dụng từ ngày 11/10/2022 trong giá cơ sở).
Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Đồng thời, các nhà máy lọc dầu cũng cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước. Trên cơ sở cuộc họp sáng nay (12/10), rà soát để phân giao tổng nguồn phù hợp, gồm nguồn nhập khẩu và trong nước để đảm bảo đủ nguồn cho quý 4, Vụ trưởng Trần Duy Đông đề nghị.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan ra soát và sửa đổi, bổ sung quy định trong điều hành và kinh doanh xăng dầu như công thức và hướng điều hành giá (các yếu tố cấu thành); thời điểm điều hành, thời gian điều chỉnh premium...Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được đi trong thành phố vào giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh việc theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo quy định cần có các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh và vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay, tránh tình trạng xử lý vi phạm không đúng quy định hoặc gây khó dễ cho doanh nghiệp để bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.
Liên quan đến vấn đề xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ thêm, từ cuối năm 2021 đến năm 2022, tình hình thị trường gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung năng lượng và mặt hàng xăng dầu. Đến thời điểm này, nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp, địa phương, nguồn cung cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân đã cơ bản được đảm bảo.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70 - 80 %, tức là phải nhập khẩu 20-30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu. Phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đơn cử hôm qua (11/10), Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc tăng chi phí này mới được giải quyết một phần. Còn chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam dù mới được điều chỉnh tăng lên, nhưng vừa qua chi phí này lại biến động tăng rất cao. Bộ Công Thương sẽ kiến nghị với Chính phủ để tiếp tục điều chỉnh chi phí tăng lên để chia sẻ với doanh nghiệp.
Xem xét thận trọng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện
Trả lời câu hỏi của báo chí về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 08) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong đó có nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách “điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất”. Đồng thời, điều chỉnh biểu giá để phù hợp với thực tế sử dụng điện của người dân và khách hàng.
Về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt, trên cơ sở đánh giá tác động của các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt, Bộ Công Thương đã đưa ra một số nguyên tắc trong quá trình sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt như: (i) Đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đảm bảo cho EVN thực hiện giá bán lẻ điện bình quân được duyệt; (ii) Đảm bảo thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp; (iii) Nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; (iv) Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội; (v) Khắc phục được một phần tình trạng hóa đơn tiền điện biến động lớn trong những tháng đổi mùa; (vi) Định hướng giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt với số bậc phù hợp với chênh lệch hợp lý giá điện cho các bậc, hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện thấp và trung bình.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang cho biết, các đối tượng sử dụng điện ít sẽ không bị ảnh hưởng khi điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện. Đối với Phương án 5 bậc, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm, so với Phương án 6 bậc hiện hành. Tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng dưới 711 kWh/tháng có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm.
Đối với Phương án 4 bậc, tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ thì tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng là không lớn với mức tiền điện tăng thêm tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%. Các hộ còn lại có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm. Theo đó, Dự thảo mà Bộ Công Thương đang đưa ra lấy ý kiến có 2 phương án, thì 2 phương án đều quán triệt nguyên tắc đã đưa ra, là hạn chế tối đa tác động tới các hộ có mức sử dụng điện thấp và trung bình.
Ông Trần Tuệ Quang nhấn mạnh, Bộ Công Thương cho rằng, các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo đề xuất tại Đề án cần được xem xét một cách thận trọng trên cơ sở đánh giá tác động, có lộ trình cụ thể và trên cơ sở tham khảo ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành liên quan, của các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5923/BCT-ĐTĐL ngày 03 tháng 10 năm 2022 và Công văn số 6153/BCT-ĐTĐL ngày 07 tháng 10 năm 2022 gửi các cơ quan thuộc Quốc hội; các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức liên quan; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để lấy ý kiến về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Liên quan đến việc triển khai kế hoạch hành động cho các cam kết của Việt Nam tại COP26 trong lĩnh vực Công Thương được phóng viên đề cập đến trong buổi họp báo, ông Tăng Thế Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho hay, ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng làm Trưởng ban và các Bộ trưởng của các Bộ liên quan là thành viên.
Bộ Công Thương là một trong những Bộ đầu tiên ban hành kế hoạch hành động triển khai các hoạt động về COP26. Đến năm 2030, ngành Công Thương chiếm 80% tổng phát thải quốc gia. Theo đó, Bộ đã đưa vào các nội dung chính triển khai các cam kết tại COP26 nhằm giảm thải hiệu ứng nhà kính của ngành Công Thương bao gồm: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chuyển đổi mô hình nguồn cung năng lượng theo hướng xanh hơn, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng tái tạo; Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới như lưu trữ và sử dụng carbon, một số giải pháp giữa công nghệ và chuyển dịch năng lượng bằng việc chuyển đổi sang các loại nhiên liệu mới như hydro và amoniac xanh. Những phương án này đã được Bộ xem xét, đưa vào các quy hoạch, chiến lược phát triển điện và trình Chính phủ trong đó có Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch điện VIII.
Song song đó, Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ, ngành xây dựng các quy định về giảm phát thải nhà kính như xây dựng thị trường cacbon, trong đó có việc xây dựng các khung pháp lý cho doanh nghiệp tham gia thị trường này đảm bảo tính minh bạch và hiệu qủa. Bộ Công Thương sẽ xây dựng quy định về báo cáo thẩm tra để tạo cơ chế giám sát trong hoạt động của thị trường.
Ngoài ra, các Bộ ngành sẽ phải hướng dẫn các cơ sở phát thải lớn kiểm kê khí nhà kính trong các năm theo quy định tại Nghị định 06 về hướng dẫn thực hiện luật bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với World Bank tập trung vào 02 ngành có mức phát thải lớn nhất trong lĩnh vực là thép và nhiện điện.
Hiện nay, các quốc gia phát triển đã đưa ra chính sách chống dò rỉ cacbon xuyên biên giới gọi tắt là thuế cacbon, đây là một vấn đề mới, nên trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế xem xét, hướng dẫn và nghiên cứu giúp các doanh nghiệp tìm ra giải pháp trong vấn đề giảm dấu vết cacbon, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu.
Tiếp tục khẳng định Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Chia sẻ về chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến thông tin, tốc độ tăng trưởng giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia. Thương hiệu quốc gia Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (74%).
Nếu như năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 247 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD, tăng 29,1% so với năm 2019; năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21,6% so với năm 2020; thì năm 2022 đã là 431 tỷ USD tăng 11,1% so với năm 2021.
Brand Finance đánh giá, Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam có mức tăng trưởng về giá trị cao là 36% (mức tăng trưởng của Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, Ấn Độ là 16%, Malaysia là 10%, Trung Quốc là 6%, Nhật Bản là 5% và Thái Lan là 4%). Trong số những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu sự góp mặt của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam như Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hòa Phát, Vietnam Airlines…
“Điều này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự đóng góp của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia trong vai trò tiên phong, dẫn dắt và phát triển Thương hiệu Quốc gia ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn” – ông Hoàng Minh Chiến thông tin.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng nhấn mạnh về các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam góp phần tích cực xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ có chất lượng, ở thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các hoạt động chính gồm: Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cấp lãnh đạo doanh nghiệp; Thứ hai, tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng hệ thống tiêu chí của thương hiệu quốc gia Việt Nam; Thứ ba, tập trung các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt nam và các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia, đặc biệt là ở thị trường ngoài nước và đối với các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Malaysia – thành viên thứ 9 trong số 11 nước tham gia CPTPP phê chuẩn hiệp định này vào ngày 5/10 có tác động thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định, điều này sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định khi xuất khẩu sang nước này kể từ ngày 29/11/2022. Bên cạnh đó, mặc dù nước ta cũng đã có những hiệp định ký với Malaysia trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+, nhưng với việc Malaysia phê chuẩn hiệp định CPTPP, ta có thể tận dụng nguyên vật liệu của ASEAN để sản xuất hàng hóa xuất sang 3 thị trường mà ASEAN chưa có FTA là Canada, Mexico và Peru.
Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt hơn các cam kết FTA mang lại. Trong đó, chú trọng vào những vấn đề như: Tiếp tục phổ biến các cam kết rộng rãi đến các doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hoá xuất khẩu để tham gia vào các thị trường các nước, bà Phạm Quỳnh Mai nhấn mạnh.
Ngoài ra, không chỉ dừng lại ở các FTA đã ký kết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành nghiên cứu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương với các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng mà chúng ta chưa có quan hệ FTA trên cơ sở đảm bảo lợi ích tối đa của Việt Nam.
Chia sẻ cụ thể hơn về hoạt động xuất nhập khẩu, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, lĩnh vực này tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam 9 tháng đầu 2022. Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, với những kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu đã giúp cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư với mức xuất siêu cao trên 6,8 tỷ USD. Đồng thời khẳng định, những kết quả tích cực của 9 tháng đầu năm sẽ là tiền đề, cũng như cơ sở để hoạt động xuất nhập khẩu cả năm 2022 có thể cán đích và phấn đấu vượt mức chỉ tiêu đề ra.
“Với nhiều giải pháp, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp. Đặc biệt là thông qua hệ thống thương vụ, cũng như hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời cung cấp những thông tin về diễn biến thị trường giúp cho doanh nghiệp có thể cập nhật sớm và có những biện pháp để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu, hướng tới sự phát triển xuất nhập khẩu bền vững” – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Cẩm Trang khẳng định.
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương