Ngày 27/3/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố Kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 12 (POR12) cho giai đoạn từ ngày 01/8/2014 đến 31/7/2015 đối với sản phẩm cá tra - basa nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong Kết luận cuối cùng, DOC xác định mức thuế đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu cá tra - basa của Việt Nam như sau:
- Doanh nghiệp bị đơn bắt buộc: 03 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc bị áp mức thuế toàn quốc là 2.39 USD/kg do quyết định không tham gia đợt rà soát.
- Doanh nghiệp bị đơn tự nguyện (gồm 04 doanh nghiệp): nhận mức thuế suất riêng rẽ trong đợt rà soát POR11 trước đó là 0.69 USD/kg (do thuế suất của các bị đơn bắt buộc trong đợt rà soát này đều được tính dựa trên dữ kiện sẵn có bất lợi). Ngoài ra, có 02 công ty không nộp hồ sơ xin nhận thuế suất riêng rẽ nên cũng bị áp mức thuế suất toàn quốc là 2.39$/Kg.
- Thuế suất toàn quốc: vẫn ở mức 2.39 USD/kg.
Tại quyết định cuối cùng, DOC cũng xác định rằng có 03 công ty không có lô hàng xuất khẩu trong đợt rà soát này. Do đó, bất kỳ chuyến hàng bị đình chỉ của các công ty này sẽ được thanh khoản ở mức thuế suất toàn quốc.
Trong đợt rà soát này, theo yêu cầu của Nguyên đơn và 30 nhà xuất khẩu Việt Nam, DOC đã tiến hành rà soát đối với tổng số 71 công ty. Tuy nhiên, sau đó phía Nguyên đơn đã rút yêu cầu rà soát đối với 02 công ty có lượng xuất khẩu lớn nhất trong đợt rà soát và 62 công ty khác. Sau khi xem xét tính hợp lệ của việc rút yêu cầu rà soát (trong vòng 90 ngày kể từ ngày khởi xướng rà soát), DOC đã quyết định hủy đợt rà soát cho 38 công ty xuất khẩu của Việt Nam và 02 công ty nữa (tổng cộng 40 công ty).
DOC dự kiến sẽ ban hành các hướng dẫn tính thuế thích hợp trực tiếp cho Cơ quan Hải quan và biên phòng (CBP) trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố kết luận cuối cùng của đợt rà soát.
Nhằm mục đích tính thuế, DOC sẽ tính toán mức thuế cụ thể đối với các nhà nhập khẩu (hoặc khách hàng) cho sản phẩm bị điều tra. Sau đó, DOC sẽ tiếp tục hướng dẫn CBP tính toán mức thuế cụ thể đối với các nhà nhập khẩu dựa trên mức thuế theo trọng lượng kg của mỗi chuyến hàng sản phẩm bị điều tra trong giai đoạn rà soát. Cụ thể, DOC sẽ tính toán thuế suất cụ thể của nhà nhập khẩu bằng cách chia tổng biên độ phá giá (tính bằng chênh lệch giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu, hoặc giá xuất khẩu tự xây dựng) cho mỗi nhà nhập khẩu cho tổng lượng sản phẩm bị điều tra bán cho nhà nhập khẩu đó trong giai đoạn rà soát. Nếu mức thuế cụ thể của nhà nhập khẩu (hoặc khách hàng) là không đáng kể (de minimis) (tức nhỏ hơn 0.5%), DOC sẽ hướng dẫn CBP không đánh thuế chống bán phá giá đối với các chuyến hàng sản phẩm bị điều tra của nhà nhập khẩu (hoặc khách hàng) đó.
Việc đặt cọc bằng tiền mặt sẽ có hiệu lực đối với tất cả chuyến hàng của sản phẩm bị điều tra được nhập khẩu, hoặc xuất kho để tiêu thụ vào hoặc sau ngày công bố kết luận cuối cùng. Đối với các bị đơn bắt buộc và tự nguyện, mức tiền đặt cọc là mức thuế được nêu tại kết luận cuối cùng của đợt rà soát (ngoại trừ trường hợp thuế suất bằng không hoặc ở mức không đáng kể, công ty đó sẽ không phải nộp thuế). Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đã được điều tra hoặc rà soát trước đây mà không phải là bị đơn bắt buộc hoặc tự nguyện trong đợt rà soát này, thì mức tiền đặt cọc sẽ tiếp tục áp dụng theo mức thuế cụ thể của nhà xuất khẩu đó trong giai đoạn gần nhất. Đối với tất cả các doanh nghiệp Việt Nam không nhận thuế suất riêng rẽ, mức tiền đặt cọc phải nộp là mức thuế suất toàn quốc 2.39USD/kg. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị điều tra không phải từ Việt Nam mà không có mức thuế riêng, tiền đặt cọc sẽ là mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cung cấp cho nhà xuất khẩu đó. Các mức tiền đặt cọc này sẽ có hiệu lực cho đến khi có thông báo khác.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương