menu search
Đóng menu
Đóng

Khẳng định giá trị hiệu triệu của Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc

10:35 28/05/2018

Vinanet - Sáng 18-5, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị (TCCT) chỉ đạo Cục Tuyên huấn phối hợp với Tạp chí Quốc phòng toàn dân tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Từ Thi đua Ái quốc đến Thi đua Quyết thắng-Lý luận và thực tiễn”, thiết thực kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc.
Hội thảo góp phần khẳng định vai trò, ý nghĩa Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt mọi khó khăn, gian khổ, bảo vệ nền độc lập của dân tộc, kiến thiết đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN). 
Đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tới dự. Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm TCCT dự và phát biểu chỉ đạo. Đại tá Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn và Đại tá, TS Đỗ Hồng Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân đồng chủ trì hội thảo. 
Vẹn nguyên lời Bác sáng soi 
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Trung tướng Đỗ Căn nhấn mạnh: 70 năm qua, Đảng ta, nhân dân ta đã quán triệt và không ngừng vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện các phong trào thi đua (PTTĐ) và tiến hành công tác TĐKT, động viên cao độ sức người, sức của, tiềm năng, trí tuệ, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc, tạo nên động lực to lớn, trực tiếp góp phần đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). 
Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng các đại biểu tham quan trưng bày sách về Thi đua yêu nước tại hội thảo.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Đại tá Nguyễn Văn Đức, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thi đua Ái quốc. Theo đó, khi mới giành được độc lập, đất nước ta còn bộn bề khó khăn, thù trong, giặc ngoài diễn biến phức tạp; giặc đói, giặc dốt hoành hành, chính quyền non trẻ đứng trước muôn vàn thử thách cam go, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của toàn thể dân tộc để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng. Ngày 11-6-1948, đúng dịp kỷ niệm tròn 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc”. Theo đó, Người khẳng định: Thi đua là “bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh làm việc gì đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”. 
Phân tích và làm rõ ý nghĩa, vai trò của Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc và tấm gương mẫu mực thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tham luận gửi đến hội thảo, GS, TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nêu rõ: Tấm gương mẫu mực và cống hiến xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thi đua Ái quốc, thể hiện tập trung, nổi bật trên ba mặt: Một là thiết kế lý luận về Thi đua Ái quốc; hai là tổ chức giáo dục, tuyên truyền, vận động không mệt mỏi để Thi đua Ái quốc thành phong trào và lực lượng, phát triển rộng khắp, mạnh mẽ trong xã hội, được toàn dân ủng hộ, tham gia, có những đóng góp to lớn, góp thành thế và lực của cách mạng. Ba là, tự mình thực hành Thi đua Ái quốc, suốt đời rèn luyện, phấn đấu để nêu gương đạo đức, văn hóa, lối sống của Người. 
Tham luận của các đồng chí: GS, TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); Trung tướng PGS, TS Đặng Nam Điền, nguyên Chính ủy Học viện Hậu cần; Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hồi, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân… đều chỉ rõ: Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trên khắp các vùng, miền của đất nước đều dấy lên các PTTĐ. Ngoài chiến trường các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, với rất nhiều PTTĐ thiết thực, hiệu quả; qua đó, xuất hiện nhiều anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ, làm nên bản hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, giành độc lập cho dân tộc, thống nhất non sông. 
Sau khi đất nước thống nhất, tinh thần thi đua theo lời kêu gọi của Bác được phát triển mạnh mẽ, hướng vào thực hiện các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Trong tham luận gửi đến hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương, Phó chính ủy Học viện Quốc phòng; PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và nhiều nhà nghiên cứu, tướng lĩnh, tuy tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng đều có điểm chung là: Những năm gần đây, PTTĐ yêu nước được kết hợp chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động của các cấp, các ngành, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Đặc biệt, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng… đã và đang tạo ra khí thế mới, bầu không khí dân chủ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Thi đua yêu nước góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới đất nước. 
Tạo sức mạnh, động lực mới của Thi đua Quyết thắng 
Kế tục và phát triển PTTĐ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, năm 1973, Bộ Quốc phòng phát động Phong trào "Thi đua Quyết thắng" (TĐQT) rộng khắp trong LLVT. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào TĐQT có tác dụng động viên, cổ vũ to lớn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và công nhân, viên chức quốc phòng thi đua lập những chiến công vang dội trong chiến đấu, SSCĐ, trong lao động sản xuất. Cùng với PTTĐ của cả nước, phong trào TĐQT góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 
Đề cập đến sự cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo từ Thi đua Ái quốc đến phong trào TĐQT trong quân đội, tham luận gửi đến hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, phân tích, làm rõ: Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phong trào TĐQT phát triển sâu rộng, hướng vào mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Phong trào thực sự là đòn bẩy thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, trong đó, điểm nhấn của phong trào TĐQT là thực hiện tốt các khâu đột phá, khắc phục khâu yếu, mặt yếu, khơi dậy ý thức tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, giành những thành tích mới cao hơn trên các mặt công tác. 
Vinh dự, tự hào là địa phương, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc, chia sẻ tại hội thảo, Thiếu tướng Dương Đình Thông, Phó chính ủy Quân khu 1, cho biết: Thông qua Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và các phong trào: “Huấn luyện giỏi, rèn luyện tốt, kỷ luật nghiêm”, “Thanh niên lập nghiêp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, phong trào xây dựng đơn vị “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, phong trào “LLVT Quân khu 1 chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo”… đã góp phần quan trọng xây dựng tổ chức đảng TSVM, đơn vị VMTD, xây dựng LLVT quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. 
Đi sâu phân tích, chỉ rõ tác dụng to lớn của thi đua, Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân chủng Hải quân cho rằng: Mục đích của TĐQT là làm cho mỗi người, mỗi tổ chức tự so sánh mình với đơn vị bạn, với đồng chí, đồng đội và tự đặt câu hỏi: Tại sao bạn làm được, còn mình thì chưa? Rồi tự soi, tự sửa, tự kiểm điểm lại mình, nhận ra yếu kém, khuyết điểm để theo, đuổi và vượt đơn vị bạn. Chính hành động đó, làm cho mỗi đơn vị tốt hơn, quân đội mạnh lên, có lợi cho Đảng, cho dân. 
Trong các tham luận gửi tới hội thảo, Thiếu tướng Ngô Kim Đồng, Chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc; Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật; Thiếu tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân… đều thống nhất nhận định: Hưởng ứng Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc, toàn quân đồng lòng vâng lệnh Bác thực hiện tốt phong trào TĐQT. Từ khi ra đời đến nay, TĐQT là phong trào bao trùm toàn quân, có vị trí định hướng chung. Các cuộc vận động, PTTĐ khác là sự cụ thể hóa phong trào TĐQT vào từng giai đoạn, từng lĩnh vực và từng đơn vị. Phong trào TĐQT trực tiếp góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị, nhân cách quân nhân, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; nêu cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo, ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực tổ chức chỉ huy và chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo cơ sở chính trị, tinh thần vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp trong SSCĐ và chiến đấu của quân đội ta. 
Đưa Thi đua Ái quốc lên tầm cao mới 
Tại hội thảo, cùng với khẳng định những kết quả đạt được, các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tướng lĩnh… cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại của phong trào TĐQT thời gian qua; đồng thời thể hiện quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, đưa phong trào Thi đua yêu nước lên tầm cao mới. Thời gian tới, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để động viên cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT tiếp tục phát huy truyền thống thi đua yêu nước, TĐQT, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hồi cho rằng: Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các đơn vị trong LLVT về giá trị lịch sử của Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc đối với việc phát huy nguồn lực sức mạnh chính trị, tinh thần trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, cần tiếp tục làm rõ vị trí, vai trò của công tác TĐKT, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào. 
GS, TS Mạch Quang Thắng đề xuất: Để bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả của các PTTĐ, mỗi cấp, mỗi ngành phải đặt toàn bộ phong trào Thi đua yêu nước vào mục tiêu chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; nghĩa là phải bảo đảm tính hướng đích, bảo đảm cho mọi sức mạnh, các véc-tơ lực hướng vào mục đích phát triển mà đường lối của Đảng ta đã nêu. Phòng tránh và chống bệnh hình thức trong thi đua, khắc phục tình trạng thi đua không thực chất, hình thức, đối phó, “phát mà không động”…. 
Kết luận hội thảo, Đại tá, TS Đỗ Hồng Lâm, nhấn mạnh: 70 năm qua, Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang giá trị thời đại sâu sắc. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về Thi đua yêu nước, từng tập thể, cá nhân, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng thực hiện các phong trào Thi đua yêu nước; cụ thể hóa các chỉ tiêu thi đua phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; gắn tổ chức các PTTĐ với thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong điều kiện đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thi đua cần tập trung đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; tích cực lao động sản xuất; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt các PTTĐ theo tư tưởng Thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đưa đất nước tiến lên.
Nguồn: Duy Thành/qdnd.vn