Làm thế nào để ngành chăn nuôi không bị xô ngã khi phải cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà với các loại thịt đang được nhập ồ ạt từ Trung Quốc, châu Âu, Mỹ…?
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm (Bộ NN&PTNT), xung quanh vấn đề này.
Ông Sơn nói: Chăn nuôi nông hộ là mô hình có đóng góp tương đối lớn trong ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Tuy nhiên, đã đến lúc phải liên kết lại để tạo ra quy mô lớn, còn nếu chỉ tồn tại ở quy mô nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát như hiện nay thì khó bền vững, khó mà cạnh tranh, hội nhập được với kinh tế thế giới.
Tăng trưởng nóng
Phóng viên: Hiện nay, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà đang gặp rất nhiều khó khăn như giá giảm, khó bán sản phẩm, nông dân lỗ nặng. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?
+ Ông Nguyễn Thanh Sơn: Một trong những nguyên nhân chính do trong một thời gian dài chúng ta chạy theo tăng trưởng nóng. Cụ thể, từ lúc các tập đoàn nước ngoài vào đã tạo ra sự bùng nổ về chăn nuôi gà cả về đầu con lẫn sản lượng. Với mức tăng trưởng khoảng 9% nên đã xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa về sản phẩm. Cộng thêm vào đó, sản lượng thịt nhập khẩu lớn làm cho giá sản phẩm cùng loại trong nước xuống rất thấp và khó bán.
Đó là chưa kể dù năng suất có cải thiện nhưng nhìn chung về chỉ tiêu năng suất gà của ta vẫn thấp hơn so với thế giới. Mặt khác, rất nhiều sản phẩm, nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập khẩu. Ví dụ: Gần như 100% giống gà năng suất cao ta phải nhập từ các nước phát triển. Thời gian nuôi dài hơn với thế giới 7-10 ngày, tiêu tốn thức ăn cao... Chính vì chi phí cao nên giá thành cao hơn các nước khoảng 20%-30%.
Tuy nhiên, ở đây cũng phải đặt câu hỏi: Phải chăng có câu chuyện bán phá giá, đặc biệt là đùi gà Mỹ?
. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ ngành chăn nuôi gặp khó là do chúng ta cho nhập quá nhiều thịt từ nước ngoài trong khi hàng rào kiểm soát lại quá lỏng lẻo?
+ Ta không thể giảm nhập khẩu thịt gia cầm từ nước ngoài được mà chỉ có thể hạn chế để bảo hộ hợp lý cho sản xuất trong nước, từ đó dần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Trên thực tế nước nào cũng có hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản phẩm trong nước của họ. Khi vào sân chơi của thế giới thì buộc chúng ta phải đề ra được hàng rào kỹ thuật như các nước đã làm. Ví dụ đang nhập khẩu thịt nhưng tại nước đó xuất hiện dịch thì lập tức phải cấm nhập và có tiêu chuẩn để hạn chế sản phẩm chất lượng kém.
Có lợi thế về vịt, trứng
Theo ông, tới đây nhiều dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm mạnh, thậm chí còn 0%, vậy liệu ngành chăn nuôi có đứng vững hay sẽ bị “hạ đo ván”?
+ Ngành chăn nuôi chỉ trụ vững khi chúng ta kiểm soát tốt các sản phẩm gia cầm nhập khẩu, tránh gian lận thương mại; quản lý kiểm soát chặt chẽ về giống; nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.
Đặc biệt hướng đến một nền kinh tế mở là vừa xuất vừa nhập, tức ngoài phục vụ cho nhu cầu nội tiêu thì phải hướng tới xuất khẩu. Muốn xuất khẩu được thì phải có những vùng sản xuất an toàn dịch bệnh. Tôi hy vọng chúng ta sẽ mở ra được hướng xuất khẩu cho một số mặt hàng.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn đó là những mặt hàng nào và làm sao ngành chăn nuôi không chỉ tồn tại được mà còn có thể xuất khẩu mạnh sang các nước?
+ Chúng ta không có lợi thế về sản xuất gà công nghiệp lông trắng mà có lợi thế về con vịt, gà lông màu; thịt heo sữa của Việt Nam chất lượng rất ngon mà không phải nước nào cũng có và nó phù hợp ẩm thực các nước trong khu vực. Hay như trứng vịt muối Việt Nam được đánh giá rất cao. Rồi trứng chất lượng cao, thịt gà chất lượng cao, trứng có các chế phẩm sinh học nâng cao sức khỏe con người… Đi vào những phân khúc thị trường như vậy mới có thể tồn tại được.
Vấn đề là cần phải kiểm soát được từ khâu đầu vào như con giống, thức ăn, chăn thả để đảm bảo cạnh tranh tốt và hội nhập được với các nước. Mặt khác, ngành chăn nuôi cần chuyển từ tăng trưởng quá nóng sang tăng trưởng bền vững, từ bùng nổ số lượng sang đầu tư nâng cao chất lượng.
Xin cám ơn ông!
Mức giá thấp nhất vẫn khó bán
Anh Nguyễn Văn Nghĩa, chủ trại gà Đông Hòa (Bình Dương), cho biết giá gà thả vườn (gà Tam Hoàng) sau khi giảm thê thảm xuống 23.000 đồng/kg vào giữa tháng 8, hiện nay tăng lên mức 34.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này người nuôi vẫn lỗ hơn 3.000 đồng/kg và giá gà loại này phải ở mức 37.000 đồng/kg người nuôi mới huề vốn.
Còn giá gà công nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ vẫn ở mức thấp 22.000-23.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 7.000-8.000 đồng/kg. Đây được coi là mức giá thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Nông dân nuôi gà cho hay không chỉ giá giảm mạnh, hiện các chủ trại còn gặp nhiều khó khăn vì gà đến lứa nhưng không bán được. Nguyên nhân chính do việc nhập khẩu với số lượng rất lớn gà giá rẻ từ các nước làm cho thị trường trong nước bị đảo lộn.
QUANG HUY
Phát hiện nhiều trang trại sử dụng chất cấm
Tại buổi họp báo ngày 31-8, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết thanh tra Bộ đã thành lập đoàn công tác đặc biệt để kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại một số tỉnh phía Nam. Theo đó, qua kiểm tra 44 trang trại tại Đồng Nai, phát hiện 12 trang trại có heo dương tính với chất salbutamon. Kiểm tra tại một số trang trại ở ĐBSCL cũng phát hiện chất cấm trong chăn nuôi vượt quá mức cho phép, 15 mẫu thuốc thú y không có trong danh mục.
Theo Đặng Trung
Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh
Nguồn:Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh