Tham dự Lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh của ngành Công Thương có Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; các Hiệp hội, ngành hàng... cùng đông đảo các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ, người lao động ngành Công Thương.
14/5/1951: Mốc son đáng nhớ
Ngành Công Thương Việt Nam là một bộ phận hợp thành quan trọng, động lực phát triển của nền kinh tế quốc gia. Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho lập các Nha chuyên môn trong Bộ Kinh tế như Nha Thương vụ, Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ, Nha Tiếp tế. Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương để giúp Chính phủ quản lý toàn ngành, đáp ứng nhu cầu kháng chiến và kiến quốc. Ngày 14/5 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống để các thế hệ nối tiếp ghi nhận các thành tựu đáng trân trọng của ngành liên tục trong nhiều năm, vượt lên khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa ngành Công Thương đóng góp xứng đáng vào công cuộc hội nhập và phát triển trong thời kỳ mới, đưa sự nghiệp đổi mới vững bước tiến lên.
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
Phát biểu khai mạc tại buổi Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ôn lại những giai đoạn phát triển của ngành Công Thương trong suốt chặng đường 65 năm, gắn liền với sự phát triển của vận mệnh nước nhà. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, với tất cả tấm lòng trân trọng, các thế hệ ngày nay luôn ghi nhớ và tự hào về thế hệ kháng chiến - kiến quốc của ngành Công Thương trong những năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ gian khổ đã lao động quên mình, đóng góp cả xương máu cho sự thành công của công cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Chính từ những khó khăn, thách thức, ngành Công Thương đã có những bước chuyển mình, đổi mới mạnh mẽ, đóng góp vào các đổi mới khác trong nông nghiệp và nền kinh tế, đưa cả nước chính thức bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
Đại hội Đảng lần thức VIII (1996) chính thức ghi nhận đất nước đã chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành Công Thương có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Những cải cách kinh tế đã được thực hiện trong 20 năm qua (1996-2015) đã cho thấy những chuyển biến rất cơ bản của ngành Công Thương. Có thể nêu lên 4 nhận xét đáng ghi nhận: Một, ngành Công Thương đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình; Hai, doanh nghiệp Công Thương đã phát triển đa dạng, ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong phát triển ngành; Ba, công tác quản lý toàn ngành Công Thương đã được cải thiện, công tác xây dựng thể chế ngày càng hoàn thiện; Bốn, thực hiện tốt việc chủ động và tích cực tham gia hội nhập sâu theo đường lối của Đảng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, với những đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại trước đây đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; các Bộ tiền thân trước đây của Bộ Công Thương và nhiều đơn vị trong Bộ cũng được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương và các phần thưởng cao quý khác. Nhân dịp 65 năm ngày truyền thống, ngành Công Thương vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
65 năm: Chặng đường vẻ vang
Với những thành tựu đạt được của ngành Công Thương trong suốt chặng đường 65 năm, đóng góp to lớn vào sự vững mạnh của nền kinh tế nước nhà, cải thiện vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tại Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Bộ Công Thương nhân dịp kỷ niệm 65 ngày thành lập Ngành.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá rất cao những thành tựu của các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Công Thương đã và đang nỗ lực thực hiện.
|
UV Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho ngành Công Thương |
Để góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện sáu nhiệm vụ cụ thể:
Một là, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, nhanh chóng cụ thể hóa và thực hiện những nhiệm vụ được phân công trong chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết. Nhấn mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ này trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thực hiện các FTA thế hệ mới và tham gia Hiệp định TPP.
Hai là, triển khai tích cực Nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Thực hiện nghiêm Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ba là, đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng lực, năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam.
Bốn là, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch. Nhanh chóng thể chế hóa các văn bản pháp luật, cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, để chính sách pháp luật sớm đi vào cuộc sống, giúp DN tận dụng triệt để những hiệu quả mang lại từ chính sách mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong mọi lĩnh vực.
Năm là, cần tập trung sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo nên sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời tăng cường sự liên kết của DN trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm. Từng bước thực hiện giải pháp giảm gia công, lắp ráp, sử dụng nhiều tài nguyên và lao động giản đơn, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với một số ngành trọng điểm. Rà soát, đánh giá và kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đi ngược với việc bảo vệ môi trường.
Sáu là, đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng 2030. Xây dựng chiến lược tổng thể phát triển thị trường giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường trong nước. Bảo vệ sản xuất trong nước và quyền, lợi ích chính đáng người tiêu dùng; quyền và lợi ích chính đáng của DN XK Việt Nam trước những rào cản thương mại và phi thương mại của nước nhập khẩu.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết với Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết liệt thực hiện sáu nhiệm vụ nêu trên. Vị tư lệnh ngành Công Thương nhấn mạnh, cán bộ, công chức, người lao động ngành Công Thương luôn nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của ngành, nguyện phấn đấu hết sức mình, vượt lên khó khăn, thách thức để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các quyết sách quan trọng của Đại hội lần thứ XII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí MInh và chụp ảnh lưu niệm cùng các thế hệ Lãnh đạo Bộ Công Thương |