menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành than đề xuất khai thác một phần tài nguyên nằm trong vùng cấm

14:30 03/09/2015

Vinanet - Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch phát triển ngành than vừa đưa ra phương án sẽ bổ sung thêm một số dự án khai thác vào Quy hoạch. Trong danh sách bổ sung có một số dự án nằm trong vùng cấm, vùng hạn chế khai thác. 

Theo Báo cáo của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp Vinacomin - Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh, tổng trữ lượng than Việt Nam đã được điều tra, thăm dò tính đến hết năm 2014 là 46,96 tỷ tấn. Trong đó, tài nguyên chắc chắn tin cậy là 35,85 tỷ tấn.

So với quy hoạch, trữ lượng tài nguyên than thăm dò theo số liệu gần đây đã giảm 1,77 tỷ tấn. Mức giảm này là do cập nhật lại kết quả từ đề án điều tra đánh giá tiềm năng than bể Đông Bắc dưới -300.

Bắt đầu từ năm 2017, Việt Nam sẽ thiếu than cho nhu cầu trong nước. Đến năm 2020, nhu cầu than phục vụ cho nhiệt điện sẽ thiếu nghiêm trọng. Cụ thể, nhu cầu than tiêu thụ trong nước năm 2015 là 41 triệu tấn, năm 2016 – 2020 tăng lên từ 48-88 triệu tấn, trong đó nhiệt điện chiếm từ 25-62 triệu tấn than.

Do lượng than trong nước dự kiến sẽ thiếu hụt so với nhu cầu. Theo Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch, dự kiến đến năm 2017, Việt Nam phải nhập khẩu 12,3 triệu tấn than. Đến năm 2020, lượng than phải nhập khẩu sẽ lên tới 121,6 triệu tấn.

Đề xuất bổ sung nhiều dự án vào quy hoạch để tăng khai thác

Ông Lê Văn Duẩn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp Vinacomin cho biết, để cung ứng than cho nhu cầu trong nước, ngành than cần lập triển khai thực hiện công tác thăm dò khẩn trương và đúng tiến độ.

Theo đó, Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch có đề xuất cho phép huy động một phần tài nguyên nằm trong vùng cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản. Các mỏ than nằm trong vùng cấm như mỏ Nam Mẫu, mỏ Đông Đăng - Đại Đán, Tây Ngã Hai, Đồng Vông, Hồ Thiên, Khe Chuối, Quảng La. Việc khai thác các mỏ trên được cam kết sẽ được thực hiện khi các giải pháp khai thác là hợp lý và không ảnh hưởng tới môi trường và công trình mặt nhỏ.

Để tăng nguồn khai thác, ngành than cũng đề xuất giao cho  chịu trách nhiệm chính trong công tác thăm dò bể than Sông Hồng. Theo đó, TKV sẽ khai thác thử nghiệm tiến tới khai thác và tìm đối tác để liên doanh doanh, liên kết.

Liên quan đến việc khai thác bể than đồng bằng Sông Hồng, ngành than kiến nghị Nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện để TKV xây dựng từ một đến hai mỏ thử nghiệm trong giai đoạn 5 năm tới.

Ngoài ra, ngành than đề nghị làm việc với tỉnh Hưng Yên về việc thăm dò  than của TKV tại Khoái Châu. Vì hiện nay, tỉnh Hưng Yên không đồng ý cho TKV thực hiện khai thác. Đồng thời, tại Thái Bình, ngành than cũng đề xuất thăm dò chi tiết một số mỏ để phục vụ đầu tư khai thác thử nghiệm.

Tại vùng than Đông Bắc, ngành than đề nghị ưu tiên thăm dò để nâng cấp trữ lượng than từ -300 trở lên và xác minh trữ lượng dưới -300. Việc thăm dò này để phụ vụ thiết kế cải tạo, mở rộng các mỏ hiện có và lập dự án đầu tư các mỏ mới với công suất lớn.

Cũng theo thiết kế Quy hoạch điều chỉnh mà Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch vừa công bố, sẽ bổ sung các dự án dưới sâu vào niên hạn quy hoạch cho phù hợp như Dự án khai thác phần lò giếng tầng -50 đến -300 khu Cánh Gà mỏ than Vàng Danh; Dự án khai thác hầm mỏ Khe Sim; Dự án đầu tư duy trì công suất dưới mức -175 mỏ Ngã Hai.

Ngoài ra, trong báo cáo Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch cũng cho biết, quá trình thăm dò bổ sung, sản xuất phát hiện thêm tài nguyên chưa được huy động vào các dự án theo quy hoạch. Vì vậy cần bổ sung để tận thu và khai thác tối đa tài nguyên như Dự án CTMR khai thác lộ thiên  V4-V8a mỏ than Vàng Danh; Dự án khai thác lộ thiên mỏ Tràng Bạch....

* Nội dung trên trích trong Báo cáo tại Hội thảo khoa học của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp Vinacomin - Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh.

Những nội dung trong báo cáo đưa ra để các đơn vị thảo luận, tư vấn. Sau khi tiếp thu những ý kiến trên, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Quy hoạch điều chỉnh và trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Huyền Thương