Trong những năm trở lại đây, xuất khẩu được xem là lối thoát đối với ngành thép nước ta. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu mới chưa thấy đâu thì tại những thị trường xuất khẩu truyền thống, các doanh nghiệp ngành thép đang phải đối mặt với các vụ kiện thương mại. Nguy cơ thị phần bị thu hẹp, thậm chí mất đi thị trường xuất khẩu đang hiện hữu trong thời gian tới.
Tính từ năm 1994 - 2013, sản phẩm ngành thép nước ta bị kiện 15 vụ trong số 52 vụ việc bị điều tra chống bán phá giá bởi 15 nước trên thế giới. Tính riêng trong 3 năm (2011 - 2013), nước ta đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép tại một số thị trường như: Hoa Kỳ, Australia, Canada, Indonesia, Hàn Quốc.
Mới đây nhất, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) đã khởi sướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó, có nước ta.
Biên độ phá giá chúng ta bị cáo buộc là 27%, giai đoạn điều tra diễn ra từ 1.7.2013 đến 30.9.2014.
Theo Bộ Công thương, nguyên nhân điều tra do giá bán thép không gỉ xuất sang Malaysia liên tục giảm 3 năm liên tiếp. Tuy thị phần thép nước ta chỉ chiếm 2,9% nhưng áp dụng theo luật WTO, Malaysia được quyền cộng tổng thị phần nhiều nước trong danh sách, lớn hơn 8% sẽ được phép điều tra.
Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho dù chưa có kết luận chính thức của cuộc điều tra, song có thể thấy, đối mặt với vụ kiện, các doanh nghiệp sản xuất thép sẽ phải bỏ nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để thuê tư vấn, chuẩn bị tài liệu, trả lời câu hỏi mà phía Malaysia yêu cầu.
Mặc dù sản lượng thép không gỉ của nước ta xuất khẩu sang Malaysia là không nhiều nhưng nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất chính là việc bị thu hẹp thị phần và thậm chí còn có khả năng mất thị trường xuất khẩu.
Thực tế cũng cho thấy, ngoài những thị trường tiêu thụ thép truyền thống thì các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tìm được thị trường khác để mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, tăng trưởng của ngành thép nước ta chủ yếu dựa vào xuất khẩu các sản phẩm tôn, ống kẽm...
Nhiều chuyên gia lo ngại, về lâu dài, khi bước vào quá trình hội nhập, các doanh nghiệp ngành thép sẽ tiếp tục vấp phải cạnh tranh vô cùng lớn khi thép nhập khẩu từ một số quốc gia vào nước ta với thuế suất bằng 0%, và thép nước ta vào các nước khác cũng được hưởng mức thuế suất đó.
Điều này có nghĩa các nước, sẽ giăng ra nhiều hàng rào để bảo vệ sản xuất trong nước bằng các vụ kiện phòng vệ thương mại theo xu hướng kiện theo chùm (kiện đồng thời nhiều nước) và kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và trợ cấp)
Điều đáng nói là khi các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với nước ta ngày càng gia tăng thì các doanh nghiệp sản xuất lại chưa quan tâm đúng mực đến công cụ hữu ích này để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để giữ vững được thị trường xuất khẩu của ngành thép, chúng ta cần phải chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Cụ thể, khi các doanh nghiệp sản xuất vướng vào những vụ kiện này thì rất cần sự giúp sức từ các cơ quan chức năng trong nước cũng như phía hiệp hội, nơi đại diện cho tiếng nói của họ.
Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo, tuyên truyền luật pháp và thị trường quốc tế, tạo hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Đây là biện pháp phòng vệ cần thiết, chính đáng và được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Để bảo vệ sản xuất trong nước, chúng ta cũng cần chú trọng đến các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp. Ở đây, vai trò của bộ máy quản lý và các cơ quan có trách nhiệm là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tự nâng cao ý thức về phòng vệ thương mại; chủ động nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá thành hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu hiện nay. Bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp chứ không riêng trong ngành thép vẫn chưa thực sự quan tâm đến các biện pháp phòng vệ thương mại để tự bảo vệ mình.
Với các vụ tranh chấp thương mại thì doanh nghiệp cần thực hiện yêu cầu chuẩn bị hồ sơ, thông tin và hợp tác với các cơ quan điều tra, như vậy sẽ có lợi cho các doanh nghiệp và thuận lợi cho cơ quan điều tra... Điều này đã trở thành một yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải tập làm quen và có sự chuẩn bị chu đáo. Bởi nếu không chính doanh nghiệp sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi không có sự ưu tiên cho bất cứ ai.