menu search
Đóng menu
Đóng

Nguồn nhân lực - yếu tố tiên quyết trong "công nghiệp lần thứ 4"

15:56 24/03/2017

Vinanet - Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, phân tích dữ liệu, quản lý nền kinh tế, một yếu tố chính quyết định sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 04 (công nghiệp 4.0) đó là nguồn nhân lực. Khẳng định trên được ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam nhấn mạnh tại Họp báo Vietnam Manufacturing expo 2017 (VME17).

Chương trình do Reed Tradex phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí (VAMI) và Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Đức tổ chức.

Nhân lực - yếu tố tiên quyết
Theo ông Nguyễn Văn Thụ, tính khả thi của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 04 (hay còn gọi là công nghiệp 4.0) nên bắt đầu bằng những bước nhỏ và đơn giản nhưng cần được thực hiện ngay. Thiết yếu nhất là đầu tư vào nguồn nhân lực. Sau đó các nhà sản xuất nên mạnh dạn đổi mới công nghệ. Và không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ để tối đa hóa hiệu quả của các doanh nghiệp, tránh đầu tư chồng chéo.
Ông Thụ dẫn ví dụ cụ thể từ kế hoạch kinh doanh phức hợp của Công ty Cổ phần ô tô trường Hải trong việc xây dựng KCN cơ khí ô tô Chu lai - Trường hải, sẽ được đưa vào hoạt động năm 2018. Trong đó, nhà máy được đầu tư công nghệ hàn lazer và công nghệ sơn tân tiến nhất, công suất 1 năm 100.000 xe hơi, 100.000 xe tải, 5000 xe bus. Kế hoạch này đi kèm giải pháp kết nối các doanh nghiệp sản xuất linh kiện trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển Chu lai trở thành trung tâm cơ khí đa dạng miền trung.
Còn theo ông Isara Burintramart – Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex, nền sản xuất của Việt Nam đã chuyển từ các danh mục sản xuất truyền thống sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn. Trong suốt 10 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng và thay đổi đáng kể của nền công nghiêp Việt Nam, hiện nay vẫn đang có dấu hiệu phát triển, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số, khi mà cả thế giới đang tiến đến kỷ nguyên công nghiệp 4.0.

Đơn vị tổ chức cũng đề xuất đưa khái niệm công nghiệp 4.0 vào nội dung của triển lãm. Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sau 3 đợt sóng đầu tiên bắt đầu từ cơ giới hóa sức mạnh của hơi nước, sản xuất hàng loạt với động cơ điện và tự động hóa bằng máy tính. Được gọi bằng tên khác là “nhà máy thông minh”, đây là lĩnh vực đầu tư nằm trong danh sách ưu tiên của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Đây là sự kết hợp hiệu quả của các công nghệ mới xuất phát từ Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT) đến đám mây, phân tích, robot, công nghệ in 3D và trí tuệ nhân tạo.
Theo ông Isara, với các dự án áp dụng công nghiệp 4.0, các công ty dự tính sẽ giảm chi phí hoạt động 3,6% và tăng hiệu suất 4,1% trong một năm. Ông Isara nhìn nhận: “Thực tế, trình độ sản xuất hiện tại của Việt Nam đang ở giai đoạn Công nghiệp 2.0 hoặc Công nghiệp 3.0, sản xuất chính vẫn ở trình độ thấp bởi thiếu hụt các công nghệ mới, thiếu thông tin, kỹ năng, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ. Việt Nam đang cố gắng để trở thành người trong cuộc của kỷ nghiên 4.0. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, phân tích dữ liệu, quản lý nền kinh tế, một yếu tố chính quyết định sự phát triển của công nghiệp 4.0 đó là nguồn nhân lực”.
Trong phần phát biểu của mình, ông Isara cũng đề cập đến báo cáo của We Are Socia, một cơ quan quốc tế thu thập số liệu thống kê về kỹ thuật số. Theo báo cáo này, trong năm 2016 có thêm 3 triệu người ở Việt Nam sử dụng Internet, tăng con số tổng sử dụng lên 50,05 triệu, chiếm 53% dân số. Chỉ số tăng trưởng là 6%. Số lượng người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội tăng 31% và số người sử dụng mạng xã hội di động tăng 41%. “Tôi tin rằng nguồn nhân lực Việt Nam đã sẵn sàng học hỏi và bước vào kỷ nguyên Công nghiệp 4.0. Cách tốt nhất để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 là việc phải bắt đầu, mặc dù chỉ là những bước nhỏ với việc lập ra chiến lược, dự án thí điêm… Cuộc hành trình cần được bắt đầu”, ông Isara nhấn mạnh.
Mạnh dạn đổi mới công nghệ
Từ ngày 26-28/4/2017, những máy móc và công nghệ nổi bât cho ngành sản xuất sẽ được trình diễn tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội thông qua phiên bản thứ 9 của VME.
Để tăng sự trải nghiệm toàn diện cho ngành sản xuất, “Vietnam Sheet Meta” và “Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” sẽ được tổ chức cùng với VME17.
Mục tiêu của VME17 là nâng cao sự hợp tác với các hiệp hội trong nước như Hiệp hôi Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) và Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt – Đức (HwC); đồng thời thúc đẩy những bước đi đầu tiên cho ngành công nghiệp Việt Nam đến công nghiệp 4.0 và hướng đến tiêu chuẩn an toàn.

Năm nay, VME17 sẽ quay trở lại và với những công nghệ tiên tiến mang tính ứng dụng cao, tập trung vào công nghệ đo lường và lắp ráp tự động hóa, được xem là một phần quan trọng của công nghiệp 4.0. Với hơn 200 thương hiệu hàng đầu từ 20 quốc gia cùng 05 gian hàng quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và Đài Loan. Các thương hiệu hàng đầu về công nghệ đo lường và lắp ráp và lắp ráp tự động hóa, chẳng hạn như Hexagon, Nikon, Scatech, Wenzel, Misumi, Keyence, Tsubaki, Ulvac… sẽ giới thiệu những công nghiệp phục vụ sản xuất thông minh ngay tại chương trình.
Để phát triển phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì các sản phẩm phải đạt được các tiêu chuẩn mà quốc tế đưa ra. Theo ông Lê Khánh Tường, một hệ thống quản lý chất lượng với lao động có trình độ sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn sản phẩm, có thể đáp ứng các quy định của các nước đưa ra đơn hàng, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu cao về kỹ thuật hàn và chế tạo, tại Vietnam Manufacturing expo 2017 sẽ tổ chức "Cuộc thi tay nghề thợ hàn". Chương trình được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu quốc tế, đặc biệt là công nghệ hàn - một công nghệ chủ chốt hình thành nên nhiều sản phẩm công nghiệp.
Nguồn: Quyên Lưu/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương