menu search
Đóng menu
Đóng

Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Nhật gặp khó về rào cản kỹ thuật

07:51 22/07/2015

Vinanet - Do quy tắc xuất xứ khắt khe, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định thương mại Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) chỉ được từ 4-7%. 

Được kí chính thức vào ngày 27/12/2008 và có hiệu lực từ 1/10/2009, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) đã đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế hai nước. Đây là Hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên của VN kể từ khi gia nhập WTO.

Hiệp định VJEPA có nội dung toàn diện về tự do hóa thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầy tư và các hợp tác kinh tế khác giữa hai quốc gia. Theo Hiệp định, trong vòng 10 năm kể từ khi thực hiện, VN cam kết tự do hóa đối với khoảng 87,66% kim ngạch thương mại và Nhật bản cam kết tự do hóa đối với 94,53% kim ngạch thương mại. Vào năm cuối của Lộ trình giảm thuế, tức là sau 16 năm thực hiện Hiệp định, VN cam kết tự do hóa đối với 92,95% kim ngạch thương mại.

  Cụ thể, sản phẩm công nghiệp, lĩnh vực mà thuế suất của Nhật Bản đã rất thấp, Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế bình quân từ 6,51% năm 2008 xuống 0,4% vào năm 2019.

Sản phẩm dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản được hưởng mức thuế suất 0%, giảm từ mức bình quân 7% ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực. Sản phẩm da, giày được hưởng thuế nhập khẩu 0% trong vòng từ 5-10 năm. Sản phẩm nông sản, lĩnh vực mà VN có thế mạnh nhưng Nhật Bản bảo hộ mạnh mẽ, Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế quan bình quân từ 8,1% năm 2008 xuống 4,47% vào năm 2019. Rau quả tươi được hưởng thuế suất 0% sau 5-7 năm kết từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Thủy sản, lĩnh vực đem lại lợi ích xuất khẩu lớn nhất cho VN từ thực thi VJEPA, Nhật Bản giảm thuế từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống 1,31% năm 2019. Đặc biệt, tôm, cua, ghẹ và một số sản phẩm cá sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Tôm là mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%
Tuy nhiên, theo ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, đối với Hiệp định này, điều kiện quan trọng nhất là xuất xứ, hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì phải đảm bảo các quy tắc về xuất xứ hàng hóa. Có những mặt hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch thực vật. Ví dụ như gạo, có năm không thể xuất khẩu do phát hiện dư lượng thuốc vượt mức cho phép. Nhật Bản là một quốc gia đòi hỏi cao về vấn đề này.
Ông Nguyễn Sơn, Phó văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cũng cho biết, tác động của hiệp định này tới thương mại chỉ ở mức độ tương đối, vì rào cản chủ yếu không phải từ thuế quan mà từ các rào cản kỹ thuật.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chỉ ra rằng, do quy tắc xuất xứ khắt khe, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định VJEPA chỉ được từ 4-7%. Ví dụ như mặt hàng dệt may, Nhật Bản đưa ra quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, nhưng Việt Nam thường nhập khẩu vải từ Trung Quốc để gia công rồi xuất sang Nhật nên chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này.
Nguyên nhân sâu xa được Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, sản xuất của VN đầu vào dựa vào nhập khẩu rất nhiều. Cả đầu vào nông nghiệp và công nghiệp đều phải nhập khẩu, nên DN cần quan tâm đến vấn đề nguyên phụ liệu để đáp ứng được các quy tắc xuất xứ từ các Hiệp định thương mại tự do.
Để giải quyết vấn đề trên, đại diện Bộ Công thương khuyến cáo, các Doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cẩn trọng đối với các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản, sớm chấm dứt tình trạng vi phạm chất lượng và kiểm dịch động thực vật đối với nhiều  sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm thì mới tận dụng được ưu đãi thuế quan của VJEPA.
Vũ Nguyệt