menu search
Đóng menu
Đóng

Những giải pháp vừa qua và sắp tới của Bộ Công Thương

10:09 12/10/2017

Vinanet - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí chiều nay (11/10), tại Hà Nội. Trong bối cảnh Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 6 (khóa XII) vừa bế mạc với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc thảo luận và cho ý kiến về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, những giải pháp sắp xếp bộ máy của Bộ Công Thương vừa qua đều rất phù hợp với tinh thần của Hội nghị.
Bộ trưởng cho rằng, câu chuyện “lấy đá ghè chân” chỉ là so sánh nói lên tính phức tạp khó khăn của câu chuyện sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian qua chúng ta đã có nhiều nghị quyết về tinh giản gắn với việc nâng cao hiệu quả bộ máy. Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII) vừa kết thúc là khẳng định vẫn tiếp tục tinh giản bộ máy cả hệ thống chính trị. Tại sao lại có vấn đề này? Theo Bộ trưởng, quá trình xây dựng pháp luật để bảo đảm hiệu quả quản lý là quá trình liên tục gắn với phát triển kinh tế. Chúng ta vừa làm vừa học gắn cả thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên đến nay, bộ máy hành chính đã bộc lộ nhiều bất cập như quan liêu cồng kềnh, chất lượng đội ngũ công chức không gắn liền và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xu thế phát triển. Đó là chưa kể đến nhiệm vụ quản lý nhà nước không rõ ràng, dẫm chân lên nhau của các cơ quan trong hệ thống chính trị và quản lý nhà nước, nó cản trở việc giải phóng các nguồn lực cho phát triển của xã hội.
Ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ mới, Chính phủ đã đưa ra quan điểm xây dựng một chính phủ kiến tạo, nhằm giải phóng nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển. Đó cũng là quá trình thực thi các cam kết hội nhập quốc tế. Bộ Công Thương trong vai trò là một Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã có nhiều cơ hội lắng nghe từ thực tiễn. Bộ Công Thương xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là công tác cải cách thể chế. Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính cơ cấu bộ máy, làm mới các nội hàm trong quản lý nhà nước, hướng tới kiến tạo môi trường kinh doanh phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng khẳng định, những nhận thức chung của lãnh đạo Bộ Công Thương, công chức, viên chức được khẳng định rõ nét qua Nghị định 98/NĐ-CP mới đây của Chính phủ, chương trình cải cách hành chính được cụ thể hóa bằng Quyết định 4846 cắt giảm 1/3 thủ tục hành chính, đồng thời xã hội hóa dịch vụ hành chính công, rà soát các nội dung liên quan đến các điều kiện kinh doanh theo hướng tiếp tục tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương xác định một khó khăn của cải cách hành chính là con người. Chúng ta đang trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, sự hiểu biết, chia sẻ những quan điểm của Đảng và nhà nước là một quá trình. Vì vậy sự quán triệt, hưởng ứng những quan điểm của Đảng và Nhà nước là vô cùng quan trọng để bảo đảm thành công cho các cải cách.
Đi cùng sự chia sẻ còn là đồng thuận của đội ngũ công chức, viên chức. Do vậy cần nghiên cứu để có giải pháp để hài hòa mục tiêu chiến lược đồng thời bảo đảm lợi ích người lao động. Thực tế quá trình tái cơ cấu bộ máy Bộ Công Thương thời gian qua giảm từ 35 xuống 30 đơn vị đầu mối, số phòng giảm từ 175 xuống 105 sẽ có thể động chạm đến quyền lợi.
Đó là chưa kể đến có những vấn đề đặt ra là hoạt động trong hình thái mới vẫn cần bảo đảm được hiệu quả quản lý nhà nước, thậm chí ở mức độ cao. Rõ ràng là ở đây cần đến vai trò bộ máy cấp ủy đảng có những hình thức sinh hoạt để tạo dựng được những nhận thức chung. Thêm nữa, cần xác định được yêu cầu nhiệm vụ của phát triển mới gắn với bộ máy mới khi các cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ.
Qua quá trình tái cơ cấu tổ chức bộ máy, các chương trình cải cách còn rất nhiều vấn đề đặt ra và đã được thảo luận kỹ tại Hội nghị T.Ư 6 . Đây sẽ là những bước đi, động thái quyết liệt, giải pháp đủ mạnh theo hướng tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị để bảo đảm hiệu quả cao hơn. Có thể nói những giải pháp vừa qua và sắp tới của Bộ Công Thương đều rất phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 6.
Trở lại câu chuyện dù đã thực hiện cải cách, cắt giảm bộ máy song hiệu quả chưa như mong muốn, Bộ trưởng cho rằng, đây là vấn đề tồn tại từ lâu. Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng, đó là việc tổ chức thực hiện chỉ đạo của Trung ương đối với nhiệm vụ này chưa nghiêm và chưa có giải pháp, kế hoạch cụ thể và chưa có các chế tài đôn đốc, kiểm tra thực sự hiệu quả.
“Tôi đã từng phát biểu tại Trung ương là, bên cạnh nhận thức của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy Đảng đến các tổ chức chính quyền, phải có vai trò của người đứng đầu” - Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết thêm, nếu người đứng đầu không quyết liệt bằng những kế hoạch cụ thể gắn với việc tổ chức phân công, phân cấp, giao trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra thì rất dễ dẫn đến tình trạng lơi lỏng và cuối cùng là không đạt được mục tiêu.
“Quyết tâm trong Hội nghị Trung ương 6 vừa qua là rất lớn, nhưng cũng không thể thiếu được vai trò, trách nhiệm của từng cấp, ngành. Vì vậy, chúng tôi tin rằng, sau Nghị quyết T.Ư 6, chúng ta sẽ có những chương trình hành động của các tổ chức chính trị trên cả nước” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Nguồn: Báo Công Thương/Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương