Phát huy vai trò hạt nhân chính trị
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai có mức tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, số lượng doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh cả về quy mô, lĩnh vực và ngành nghề. Đồng Nai hiện có 36 khu công nghiệp, trong đó 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Toàn tỉnh có 24.693 doanh nghiệp, thu hút hơn 975 nghìn lao động, trong đó 403 doanh nghiệp nhà nước, 1.100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là doanh nghiệp tư nhân.
Với quan điểm “ở đâu có công nhân, ở đó phải có tổ chức đảng, công đoàn”, những năm qua, Tỉnh ủy Đồng Nai và Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh cùng các cấp ủy trực thuộc có nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả để phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong DNNKVNN. Tỉnh ủy Đồng Nai đã xây dựng chương trình hành động, ban hành Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, coi trọng lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Bằng sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt và giải pháp cụ thể, việc phát triển đảng trong DNNKVNN ở Đồng Nai đã thu được một số kết quả.
Huyện Nhơn Trạch có 10 khu, cụm công nghiệp với 178 doanh nghiệp tư nhân, 297 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang hoạt động. Huyện ủy đã quan tâm phát triển đảng trong công nhân ở các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn, cho nên đến nay đã có 21 tổ chức đảng, với 153 đảng viên ở khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công ty TNHH Hwa Seung Vina, chi nhánh Nhơn Trạch là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc với hơn 17 nghìn công nhân, đi vào sản xuất từ tháng 4-2002. Tháng 12-2011, Chi bộ Công ty được thành lập với ba đảng viên, đến nay, chi bộ đã có 30 đảng viên. Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch Công đoàn công ty Hồ Tăng Anh Tuấn cho biết: Việc thành lập chi bộ mất khá nhiều thời gian. Ban Giám đốc công ty là người Hàn Quốc, cho nên Huyện ủy phải nhiều lần gặp gỡ, giải thích cặn kẽ, thuyết phục để họ hiểu vai trò của tổ chức đảng, đồng ý thành lập chi bộ đảng trong công ty. Từ khi thành lập, chi bộ cùng công đoàn đóng vai trò là hạt nhân chính trị trong các hoạt động của công ty. Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam, một số công nhân trên địa bàn huyện bị kích động, có hành vi quá khích gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp… Ban Giám đốc công ty Hwa Seung Vina, chi nhánh Nhơn Trạch đã họp bàn với chi bộ, công đoàn tìm hướng giải quyết. Chi bộ đã kịp thời cùng công đoàn, Ban Giám đốc tuyên truyền, vận động công nhân chấp hành nội quy doanh nghiệp; các đảng viên, công đoàn viên và nhân viên bảo vệ các bộ phận tích cực túc trực, bảo đảm an ninh - trật tự và sản xuất ổn định của công ty. Sau sự việc, Ban Giám đốc công ty đã tuyên dương, đánh giá cao vai trò của chi bộ và công đoàn.
Theo đồng chí Hồ Tăng Anh Tuấn, để tạo niềm tin đối với chủ doanh nghiệp, các đảng viên luôn thể hiện ý thức trách nhiệm, chấp hành tốt các quy định của doanh nghiệp, tích cực lao động sản xuất, điển hình như đảng viên Chung Thị Phương, công nhân phân xưởng kiểm tra, được bình chọn là công nhân xuất sắc toàn công ty năm 2016. Nhờ đó, Ban Giám đốc công ty yên tâm, tạo điều kiện cho chi bộ sinh hoạt và phát triển đảng viên từ những quần chúng ưu tú trong công ty. Chỉ tiêu kết nạp mới hai đảng viên mỗi năm của chi bộ luôn đạt và vượt. Hiện nay, không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Đồng Nai có tổ chức đảng vững mạnh và phát triển nhanh. Chẳng hạn, Công ty cổ phần hữu hạn Vedan là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Đồng Nai thành lập chi bộ, đến nay đã phát triển thành đảng bộ gồm ba chi bộ trực thuộc, với 174 đảng viên. Đảng ủy đã bàn, thuyết phục Ban Giám đốc thành lập trung đội dân quân tự vệ bảo vệ nhà máy với 28 người, trong đó một phần ba là đảng viên. Ở Công ty Ajinomoto Việt Nam, từ một chi bộ, nay đã trở thành đảng bộ với 80 đảng viên. Nhiều đảng viên đang giữ những vị trí quan trọng trong nhà máy. Còn ở Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, chi bộ được thành lập năm 2009 với bảy đảng viên, đến nay đã phát triển lên 172 đảng viên, trong đó hơn 80% là công nhân sản xuất trực tiếp. Trong nội dung sinh hoạt thường kỳ, chi bộ đã gắn các nội dung tham gia với Ban Giám đốc để quản lý công ty, giữ gìn an ninh - trật tự, ổn định sản xuất, kinh doanh. Nhiều năm nay, chi bộ đã lãnh đạo công đoàn cơ sở và Đoàn Thanh niên hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty…
Với những nỗ lực, nhiều cấp ủy, chi bộ, đảng bộ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã từng bước khẳng định vai trò là hạt nhân chính trị thật sự trong doanh nghiệp. Một số đảng viên tham gia vào công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của đơn vị. Nhiều nơi, chi bộ đảng, đoàn thể hoạt động tốt đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tham gia giải quyết hợp lý các tranh chấp, ngăn chặn kịp thời đình công bất hợp pháp; tuyên truyền, vận động người lao động và chủ doanh nghiệp thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động phối hợp với chủ doanh nghiệp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động… Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào có chi bộ đảng, công đoàn vững mạnh thì nơi đó an ninh - trật tự ổn định, sản xuất phát triển, kinh doanh bền vững.
Tháo gỡ các “nút thắt”
Đến nay, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai có 131 tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 2.970 đảng viên, chiếm hơn 4% tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ. Riêng năm 2016, toàn tỉnh thành lập mới 16 tổ chức đảng và kết nạp 223 đảng viên mới trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Đồng Nai còn quá thấp, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng và phát triển của các doanh nghiệp. Thực tế ở Đồng Nai cho thấy, nhiều chủ doanh nghiệp lo ngại việc có tổ chức đảng trong doanh nghiệp sẽ gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cho nên họ không muốn thành lập tổ chức đảng, đoàn thể hoặc tìm cách hạn chế hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể.
Huyện Thống Nhất có ba khu công nghiệp, hai cụm công nghiệp với 224 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 66 doanh nghiệp tư nhân và bốn doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Dù Huyện ủy đã tích cực chỉ đạo công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các DNNKVNN, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Quy mô doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ, công nhân chủ yếu là lao động phổ thông, cho nên việc tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, người lao động tham gia các tổ chức đoàn thể rất khó khăn. Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thống Nhất Nguyễn Hải Đăng, nhìn nhận: Nhiều chủ doanh nghiệp chưa hiểu hết tầm quan trọng, lợi ích của tổ chức đảng, đoàn thể đối với sự phát triển của doanh nghiệp, khiến việc tạo nguồn phát triển đảng ở các DNNKVNN khó khăn. Năm 2016, huyện chỉ phát triển được hai đảng viên mới trong các doanh nghiệp này, thành lập được bốn tổ chức công đoàn với 86 công đoàn viên. Hiện nay, trong các DNNKVNN trên địa bàn huyện có 22 tổ chức công đoàn với 1.096 công đoàn viên, một tổ chức đoàn thanh niên với 35 đoàn viên.
Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai hiện đang quản lý 10 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) với 228 đảng viên trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 27 TCCSĐ với 731 đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân; năm 2016, Đảng bộ Khối kết nạp 58 đảng viên mới. Đảng ủy Khối thường xuyên phối hợp với các ban quản lý Khu công nghiệp Biên Hòa, Khu công nghiệp Đồng Nai nắm số lượng, thông tin về doanh nghiệp để tạo nguồn, kết nạp đảng viên; tích cực mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho công nhân và cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp... Tuy nhiên khó khăn là, trong 10 TCCSĐ ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ có hai đảng bộ lớn (hơn 70 đảng viên), còn lại phần lớn là các chi bộ nhỏ, số lượng đảng viên ít; có chi bộ trong nhiều năm không phát triển được đảng viên... Số lượng đảng viên ít, không giữ vị trí quan trọng trong công ty, khiến chi bộ không phát huy được vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp. Trong khi đó, công nhân trong doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực về thời gian, năng suất, định mức lao động..., cho nên ít tham gia sinh hoạt đoàn thể, học tập bồi dưỡng kiến thức về Đảng, dẫn đến nhận thức, động cơ và mục đích phấn đấu vào Đảng còn hạn chế. Chưa kể, số lượng đảng viên trong các doanh nghiệp không ổn định, chi bộ thiếu bền vững do doanh nghiệp giải thể, công nhân nghỉ việc, đảng viên chuyển đi,…
Trước thực tế số lượng tổ chức đảng trong các DNNKVNN còn quá ít, Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Công Chính nhìn nhận: Muốn bứt phá trong phát triển đảng ở các DNNKVNN, cả hệ thống chính trị phải nỗ lực vào cuộc. Cần phải cải tiến nội dung, phương thức sinh hoạt chi bộ để phù hợp với điều kiện đặc thù của các doanh nghiệp. Với việc thành lập mới chi bộ, ngoài ba đảng viên theo quy định, phải có nguồn kết nạp đảng viên dồi dào mới nên thành lập chi bộ.
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, giải pháp quan trọng để phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là đẩy mạnh tiếp xúc, kết nối thông tin với doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, làm cho chủ doanh nghiệp thấy được vai trò, sự cần thiết của chi bộ đảng, đoàn thể trong việc bảo đảm an ninh - trật tự, thúc đẩy sản xuất phát triển,… Đồng thời, tuyên truyền để người lao động thấy được quyền lợi chính trị của mình và có ý thức phấn đấu, tham gia xây dựng Đảng. Tỉnh ủy Đồng Nai đã biên soạn tài liệu bằng tiếng Việt và dịch ra bốn thứ tiếng để tuyên truyền cho chủ doanh nghiệp là người nước ngoài, giúp họ và người lao động hiểu về mục đích và sự cần thiết của việc có các tổ chức đảng, đoàn thể trong các DNNKVNN, qua đó chủ doanh nghiệp tạo điều kiện thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Tỉnh ủy Đồng Nai đang quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường hiệu lực của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, phát triển đội ngũ đảng viên là công nhân. Đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phải phát triển cả về số lượng và chất lượng đảng viên, tăng cường hiệu lực của tổ chức đảng; tăng cường tiếp cận, thuyết phục, vận động để chủ doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ thành lập tổ chức đảng, đoàn thể. Đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên là sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn vì lực lượng này sau khi ra trường sẽ là nguồn nhân lực làm việc trong các doanh nghiệp… Với những giải pháp này, hy vọng “nút thắt” trong phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong DNNKVNN ở Đồng Nai dần được gỡ bỏ.
Nguồn: nhandan.com.vn