menu search
Đóng menu
Đóng

Phát triển Thương mại điện tử trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

09:36 01/11/2017

Vinanet - Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với tên gọi cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo (VR), điện toán đám mây, dữ liệu lớn... để chuyển hóa thế giới thực thành thế giới số, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi Internet ngày càng phổ biến và di động, bởi các cảm biến nhỏ và mạnh mẽ hơn với giá thành rẻ hơn, bởi trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning). Các công nghệ số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng đang trở nên ngày càng phức tạp hơn, được tích hợp nhiều hơn và vì vậy đang làm biến đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu. Cùng với xu hướng CMCN 4.0, kinh tế số là yếu tố quan trọng tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội và cơ cấu của nền kinh tế. Thương mại dần được toàn cầu hóa; công nghệ cao và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển. Thị trường TMĐT vì thế cũng được mở rộng, mô hình TMĐT ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số nói chung cũng như TMĐT nói riêng.
Kinh tế chia sẻ (còn được gọi là sharing economy hoặc tiêu dùng cộng tác) là mô hình tiêu biểu của nền kinh tế số, được coi là hoạt động tái thiết kinh tế tận dụng lợi thế sử dụng nguồn tài nguyên của cá nhân (bao gồm cả tài sản vô hình như kỹ năng, thời gian...) được giới thiệu, hay chia sẻ cho các cá nhân khác có thể cùng sử dụng thông qua nền tảng phù hợp trên Internet. Ví dụ điển hình của mô hình kinh tế chia sẻ có thể kể đến như: dịch vụ “Homestay”, cung cấp dịch vụ lưu trú sử dụng nhà ở; dịch vụ ngồi chung xe di chuyển tới điểm đích đến bằng xe cá nhân của Uber; dịch vụ sử dụng vật thuộc sở hữu cá nhân; hay dịch vụ cung cấp kỹ năng chuyên nghiệp của cá nhân trong thời gian rảnh, dịch vụ sử dụng không gian tại bãi đỗ xe trống...
Cho dù là người tiêu dùng hay doanh nghiệp, thì khách hàng đang ngày càng trở thành trung tâm của nền kinh tế số, tất cả đều nhằm làm thế nào cải thiện cách thức phục vụ khách hàng, trong đó chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng. Hơn nữa, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đều có thể được tăng cường với công nghệ số hoá để làm tăng giá trị của chúng. Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra dựa trên phân tích và tổng hợp dữ liệu về nhu cầu người tiêu dùng đòi hỏi phải có sự đồng bộ liên kết và trao đổi dữ liệu. Sự xuất hiện của các nền tảng toàn cầu, trong một thế giới phẳng và các mô hình kinh doanh mới sẽ dẫn tới hình thức tổ chức và văn hoá phát triển của các doanh nghiệp cũng sẽ phải được xem xét lại.
Theo nhận định của OECD năm 2015, tiềm năng thực chất của nền kinh tế số hiện nay vẫn chưa được thể hiện rõ rệt. Theo thống kê của eMarketer – Công ty Nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ (tháng 8/2016), doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (TMĐT B2C) toàn cầu năm 2016 ước tính đạt 1.915 tỷ USD với mức tăng trưởng là 23.7%. Năm 2016, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến của quốc gia này tính đến hết quý 3 đạt 291,7 tỷ USD. Theo số liệu của Tập đoàn tư vấn nghiên cứu các vấn đề Internet của Trung Quốc iResearch công bố vào tháng 12/2016, đến hết quý 3/2016, doanh thu bán lẻ nước này đạt 3,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 460,5 tỷ USD). Ước tính doanh thu này sẽ đạt 4.700 Nhân dân tệ (khoảng 676,3 tỷ USD) trong năm 2016. Về thị trường TMĐT bán lẻ tại Việt Nam, kết quả khảo sát của Cục TMĐT và CNTT năm 2016 cho thấy, giá trị mua hàng trực tuyến của một người đạt 170 USD, doanh số TMĐT B2C đạt khoảng 5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước đó, chiếm khoảng 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng của TMĐT trong tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam khoảng 2,8% đang là con số khá khiêm tốn so với mức trung bình của cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với 12,1%.
Tại Việt Nam, theo khảo sát năm 2016 với hơn 3.000 doanh nghiệp, hai phần mềm được doanh nghiệp sử dụng phổ biến là phần mềm kế toán, tài chính (91%) và quản lý nhân sự (59%). Một số phần mềm khác được doanh nghiệp sử dụng là phần mềm quan hệ khách hàng (32%), phần mềm quản lý hệ thống cung ứng (28%), phần mềm quản lý doanh nghiệp (17%). Tỷ lệ doanh nghiệp có trang bị máy tính để bàn/máy tính xách tay chiếm 99% trong tổng số hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát. 61% doanh nghiệp trang bị các loại thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng để phục vụ công việc, số liệu này tăng 11% so với năm 2015. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng phần mềm quản lý nhân sự chiếm 59%, tăng 10% so với năm trước đó.Tỷ lệ doanh nghiệp có sử dụng chữ ký điện tử trong giao dịch với đối tác tăng tương đối cao, chiếm 61% trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát (năm 2015 tỷ lệ này là 48%). Một thống kê khác của Thời báo kinh tế Sài Gòn Online, trong 5 năm (2011-2015), tại Việt Nam, có 11.738 công trình khoa học được công bố quốc tế, song có chưa tới 20% tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến, mà chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Các số liệu thống kê cho thấy, TMĐT Việt Nam mặc dù đã bắt nhịp xu hướng TMĐT mới của thế giới, phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thói quen mua sắm hiện đại của người tiêu dùng trên môi trường mạng. Tuy nhiên, các hạ tầng cho kinh tế số, như hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng phân phối điện tử, hạ tầng nhân lực TMĐT và CNTT, hạ tầng an toàn an ninh thông tin còn bộc lộ nhiều hạn chế. Một bộ phận lớn các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp TMĐT còn chưa ý thức được hoặc chưa quan tâm thích đáng đến sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại. Do đó, để tiếp cận với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số trong cuộc CMCN 4.0, cần sự đầu tư lớn về nguồn vốn, công nghệ và nhân lực.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương