Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân là 7%/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép tăng liên tục trong giai đoạn 2016 – 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xuất khẩu hàng giày dép các loại đạt 16,8 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2019, nhưng tăng 29,2% so với năm 2016.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 lan rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới cũng như mọi mặt kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, ngành giày dép của Việt Nam là ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng lớn khi các chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, nhu cầu hàng hóa sụt giảm, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với việc nỗ lực đổi mới, từng bước tận dụng các lợi thế khi Việt Nam đã ký kết các FTA thế hệ mới... và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại sự thay đổi rất mạnh về năng suất, chất lượng, quy mô và mô hình quản lý trong ngành giày dép của Việt Nam, do đó ngành giày dép đã dần phục hồi.
Trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch khẩu hàng giày dép của Việt Nam đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2020. Giày dép là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam, nhưng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI trong phân khúc xuất khẩu. Năm 2020, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam, trong khi 78,9% vẫn do các doanh nghiệp FDI đảm nhận.
Kim ngạch xuất khẩu các chủng loại giày dép của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 vẫn chưa có nhiều đột phá. Chủng loại xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất là mã HS 6404, chiếm 50,2% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép trong năm 2020, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2019, tăng 3,4 điểm phần trăm so với năm 2016. Chủng loại xuất khẩu lớn thứ 2 là mã HS 6403 chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm 2019, nhưng giảm 2,1 điểm phần trăm so với năm 2016…
Doanh nghiệp giày dép của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công và sản xuất giày cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, lợi nhuận doanh nghiệp còn thấp và phụ thuộc nhiều vào điều khoản của phía đối tác.
Theo xu thế nâng cao chất lượng của thị trường giày dép thế giới, các yêu cầu về giày dép xuất khẩu ở hầu hết các thị trường sẽ ngày càng trở nên khắt khe hơn, nhiều ràng buộc kỹ thuật hơn. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến nâng cao năng lực và chất lượng sản phẩm giày dép. Cần chú ý đến tăng trưởng theo cơ cấu mặt hàng, chủng loại và phân khúc giày dép. Các doanh nghiệp giày dép cần phải hướng tới phân khúc giày dép có giá trị gia tăng và thương hiệu cao cấp hơn trong mỗi chủng loại hàng xuất khẩu nhằm thu được tỷ lệ lợi nhuận cao hơn.
Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp trong ngành giày dép đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa một số công đoạn sản xuất, từ đó nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, quá trình sản xuất mới được cơ giới hóa mà chưa tự động hóa, tỷ lệ công việc làm thủ công còn ở mức cao, do vậy năng suất lao động vẫn còn thấp. Trong lĩnh vực sản xuất giày dép của Việt Nam mới chỉ bước đầu ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất một số loại giày đặc chủng, giày thể thao chuyên dụng, giày y tế và giày thời trang cao cấp.
Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động toàn diện đến ngành giày dép, trong đó có tác động tới phát triển sản phẩm. Theo đó, nhiều sản phẩm, công nghệ sản xuất và vật liệu mới trong lĩnh vực sản xuất da giày được ra đời. Từ cạnh tranh về giá, doanh nghiệp sẽ chuyển sang cạnh tranh về chất lượng.
Công nghệ 4.0 sẽ thay đổi cơ cấu nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến chất lượng và kiểu dáng sản phẩm cũng thay đổi để phù hợp. Đây là xu hướng tất yếu và tiếp cận theo hướng dẫn dắt khách hàng từ nhận biết đến ủng hộ thương hiệu của doanh nghiệp với xu hướng phát triển công nghệ số. Marketing 4.0 hội tụ các công nghệ mới nhất tạo nên sự hội tụ giữa tiếp thị số và tiếp thị truyền thống, qua đó các doanh nghiệp sẽ phải thích nghi với sự thay đổi về hành vi tiêu dùng của khách hàng trong nền kinh tế số, thông qua những công cụ: vạn vật kết nối, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa.
Cách mạng công nghiệp 4.0 còn tác động tới quá trình chuẩn bị sản xuất, vật tư, công nghệ và trang thiết bị sản xuất, sản phẩm giày dép, thậm chí làm thay đổi cơ cấu chuỗi giá trị giày dép khi tác động từ chuyển đổi thiết kế, sản xuất, hoạt động và dịch vụ tới thay đổi xu hướng công nghệ sản xuất. Ngoài ra, cách mạng Công nghiệp 4.0 còn tác động tới logistics, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; phương thức sản xuất, lao động và xã hội, môi trường lao động…
Như vậy, ứng dụng thành tựu cách mạng Công nghiệp 4.0 ngày càng rõ nét trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng giày dép ra thị thế giới. Đây cũng sẽ là yếu tố chính thúc đẩy việc mở rộng thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu của các nhà sản xuất và phân phối giày dép của Việt Nam trong thời gian tới.
Trên thực tế, việc ứng dụng thành quả cách mạng Công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp giày dép của Việt Nam mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ trong công nghệ sản xuất, vẫn còn nhiều lĩnh vực khác mà ngành giày dép chưa khai thác hết. Trong thời gian tới, ngành giày dép sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do lợi thế về lao động dồi dào với chi phí thấp không còn nữa. Do vậy, doanh nghiệp giày dép của Việt Nam cần phải nhanh chóng thay đổi. Do đó, giải pháp tăng năng suất lao động thông qua đổi mới công nghệ, áp dụng các thành quả của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 là rất cần thiết.
Theo đó, để đẩy mạnh và phát triển ngành giày dép trong thời gian tới, cần xây dựng chính sách đổi mới công nghệ của ngành, phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu, ứng dụng công nghệ 4.0 theo hướng nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giảm sử dụng năng lượng, xử lý ô nhiễm bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu sản phẩm giày dép; phát triển thương hiệu, hệ thống phân phối tại thị trường trong nước và quốc tế.
Nguồn:Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương