menu search
Đóng menu
Đóng

Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng

08:42 16/12/2024

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, cùng với đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 nên sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng.
 
Theo Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2024, trong tháng 11, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm nên sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, thể hiện qua chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng, đạt ngưỡng trên 50 điểm (50,8 điểm) cho thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi sau tác động nghiêm trọng của cơn bão số 3 vào tháng 9; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới duy trì đà tăng theo thông lệ cuối năm mặc dù tốc độ chậm lại so với tháng trước. Cụ thể như sau:
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,8%.
Nâng cao giá trị gia tăng ngành Công nghiệp
Tính chung 11 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng (tăng ở 60/63 địa phương) là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng khi IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%), là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 7,3%, làm giảm 1,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 13,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,6%; dệt tăng 12,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,7%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hoặc giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,2%; khai thác than cứng và than non giảm 5,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 0,6%; sản xuất đồ uống tăng 0,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 2,7%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện, ngành khai khoáng tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 11 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ô tô tăng 22,4%; thép thanh, thép góc tăng 21,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 16,0%; xăng dầu tăng 15,9%; đường kính tăng 14,8%; thép cán tăng 14,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,9%; sữa bột tăng 11,5%; thủy hải sản chế biến tăng 11,0%; điện sản xuất tăng 10,0%; phân u rê tăng 9,0%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 17,8%; khí hóa lỏng LPG giảm 14,0%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,0%; than đá (than sạch) giảm 5,3%; điện thoại di động giảm 4,2%; bia giảm 2,1%; alumin giảm 1,2%.
- Tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP tháng 11/2024 so với tháng trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn là: Quảng Ninh tăng 9,5%; Bình Dương tăng 7,6%; Bắc Ninh tăng 5,6%; Vĩnh Long tăng 3,6%; Hải Dương tăng 3,3%; Cần Thơ tăng 3,1%; Hải Phòng tăng 3,0%; Bắc Giang tăng 2,1%; Quảng Ngãi tăng 1,8%; TP HCM tăng 1,7%; Đồng Nai tăng 1,1%; Đà Nẵng giảm 1,8%; Quảng Nam giảm 2,4%; Bà Rịa- Vũng Tàu giảm 7,8%.
- 3 địa phương có IIP giảm là: Gia Lai, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh
- Tốc độ tăng IIP 11 tháng các năm 2020-2024 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 3,0%; 4,2%; 8,4%; 0,9% và 8,4%.
- Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mười một tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng cao: Phú Thọ tăng 42,1%; Lai Châu tăng 39,9%; Bắc Giang tăng 28,3%; Quảng Nam tăng 20,7%; Thanh Hóa tăng 19,3%. Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 148,5%; Điện Biên tăng 51,4%; Cao Bằng tăng 49,8%; Trà Vinh tăng 46,5%; Lai Châu tăng 39,6%; Sơn La tăng 36,4%. Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành khai khoảng tăng cao: Cao Bằng tăng 27,0%; Thanh Hóa tăng 13,6%; Quảng Nam tăng 11,2%.
- Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mười một tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm là: Đắk Nông tăng 3,1%; Quảng Trị tăng 3,0%; Hà Tĩnh giảm 4,8%; Gia Lai giảm 1,1%; Quảng Ngãi giảm 0,9%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng thấp hoặc giảm: Quảng Trị tăng 3,0%; Bạc Liêu tăng 2,2%; Lạng Sơn giảm 14,8%; Quảng Ngãi giảm 5,8%; Gia Lai giảm 4,8%; Lâm Đồng giảm 3,9%.

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc