menu search
Đóng menu
Đóng

Tăng cường thông tin tín dụng trong APEC

10:45 19/05/2017

Vinanet - Thông tin tín dụng xuyên biên giới đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nền kinh tế, nhất là các quốc gia APEC. Xu hướng này có thể hỗ trợ phát triển kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế mỗi quốc gia.

Bên lề Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính APEC (SFOM) trong khuôn khổ APEC 2017 tại Việt Nam, ngày 16/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới”.

Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới có vai trò quan trọng và cần thiết trong thúc đẩy chất lượng và hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nền kinh tế thành viên. Trên thực tế, tại những diễn đàn, hội nghị về tín dụng gần đây, trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới như khuôn khổ pháp luật, bảo mật dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng... được nhiều chuyên gia đề cập. Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam cũng quan tâm nhất định đến thông tin xuyên biên giới thông qua việc chủ động, tích cực tham dự các hội thảo khu vực và quốc tế. Điều này phản ánh quyết tâm thực hiện các cam kết mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam với các nền kinh tế khác trong khu vực và thế giới.

Việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới có vai trò quan trọng và cần thiết trong thúc đẩy chất lượng, hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh của tất cả các nền kinh tế thành viên.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu được giao dịch ngày một tăng thì việc tìm kiếm, xác nhận thông tin của các đối tác trong giao dịch mua bán hàng hóa rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nền kinh tế thành viên APEC với các khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực trong hoạt động thông tin tín dụng nói chung và vấn đề chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới nói riêng chưa đầy đủ; khuôn khổ pháp luật liên quan về bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật dữ liệu cá nhân chưa đồng bộ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để phát triển hoạt động thông tin tín dụng xuyên biên giới, bên cạnh sự cần thiết phải đưa ra được những yếu tố chính, quan trọng trong xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, đồng thời, phải có thảo luận giữa các quốc gia để xây dựng dự thảo biên bản thỏa thuận hợp tác và từ điển dữ liệu.

Tại Việt Nam, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) là cơ quan thông tin tín dụng hàng đầu, có chức năng thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của NHNN; thực hiện các dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng theo quy định của NHNN và pháp luật. Được biết, CIC đang tìm kiếm giải pháp trao đổi thông tin xuyên biên giới nhằm mở rộng nguồn thu thập thông tin để thực hiện kế hoạch hành động của NHNN ban hành cùng với Quyết định 1097/QĐ-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, để đảm bảo công bằng, minh bạch trong hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại, việc kết nối thông tin giữa các nền kinh tế thành viên APEC ngày càng trở nên cấp thiết. Do vậy, các nền kinh tế thành viên cần chú trọng tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hoạt động trao đổi thông tin tín dụng trong phạm vi APEC cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

Nguồn: baocongthuong.com.vn

 

 

Tags: APEC