Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, mức thuế tài nguyên đất làm gạch dự kiến điều chỉnh tăng thêm khoảng 5% từ ngày 1/1/2016.
Về dự thảo của Bộ Tài chính, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng cần cân nhắc việc tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với đất làm gạch. Viện này lo ngại việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến ngành sản xuất vật liệu xây dựng, giao thông,.. Và việc tăng thuế đầu vào có thể là cơ hội cho vật liệu sản xuất nước ngoài nhập khẩu và thôn tính thị trường vật liệu trong nước. Theo đó, Viện Hàn lâm kiến nghị chỉ tăng thêm 2% thuế khai thác đất làm gạch để tránh gây sốc.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh mức thuế suất đối với đất làm gạch từ 10 - 15% là cần thiết. Theo Bộ Tài chính, dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ở nước ta năm 2015 là 24 tỷ viên gạch và dự kiến sẽ tăng lên 30 tỷ viên gạch trong năm 2030. Trong khi đó, để sản xuất gạch đất sét nung đáp ứng nhu cầu, mỗi năm cần tiêu tốn khoảng 40 triệu m3 đất sét, 4 triệu tấn than và thải ra môi trường 15 triệu tấn CO2. Những chất thải trên sẽ gây ô nhiễm mỗi trường và hiệu ứng nhà kính.
Định hướng của Chính phủ là việc phát triển sản xuất gạch bằng vật liệu không nung sẽ sử dụng nguyên liệu là các nguồn phế thải như tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện (khoàng 30 -40 triệu tấn/năm), từ đó làm giảm ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ khuyến khích phát triển và sử dụng gạch bằng vật liệu không nung thay cho gạch từ đất sét nung, hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên không tái tạo như đất sét và than. Ngành vật liệu xây dựng sẽ tận dụng phế thải của các ngành công nghiệp, từ đó giảm lượng chất rắn, khó CO2 gây ô nhiễm môi trường.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức thuế suất đất làm gạch dự kiến điều chỉnh lên 15%, thì lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác vẫn còn 16.838 đồng/m3. Sau khi tăng, số thuế thu từ tài nguyên này dự kiến đạt 97,8 tỷ đồng, tăng 32,6 tỷ đồng so với mức thu hiện nay.
Huyền Thương