menu search
Đóng menu
Đóng

Thành lập Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 19 về kinh doanh khí

09:00 07/02/2017

Bộ trưởng Công Thương chiều nay ký quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định thay thế Nghị định số 19 của Chính phủ ban hành ngày 22/3/2016 về kinh doanh khí.
Quyết định được ban hành căn cứ vào Nghị định 95 của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương và các quy định khác.
Theo đó, Ban soạn thảo sẽ có 17 thành viên do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa làm trưởng ban. Còn Tổ biên tập Nghị định sửa đổi có 16 thành viên do Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương làm Tổ trưởng. Các thành viên còn lại thuộc Ban soạn thảo và Tổ biên tập là đại diện các Vụ, Cục thuộc các Bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Bộ Tư Pháp...
Ban soạn thảo, Tổ biên tập có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành việc soạn thảo Nghị định đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ và các thủ tục do pháp luật quy định, đồng thời tự giải thể sau khi Nghị định được ban hành.
Điều kiện kinh doanh khí quy định tại Nghị định 19 thay thế Nghị định 107 có hiệu lực thi hành ngày 15/5/2016. Các quy định tại Nghị định 19 đang đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh năng lượng và giảm thiểu gian lận thương mại, dù rằng có một số điểm bị cho là rào cản đối với doanh nghiệp.
Một số chuyên gia cho rằng Nghị định 19 đòi hỏi điều kiện quá cao về cơ sở vật chất như số lượng bình gas quá nhiều, kho chứa quá lớn… vừa không phù hợp với yêu cầu của thị trường, lại vừa gây khó khăn, tạo rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ muốn gia nhập thị trường, tạo vị thế độc quyền cho các doanh nghiệp lớn... Đây chính là lý do người đứng đầu ngành Công Thương quyết định sửa đổi Nghị định nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước đó, hồi giữa tháng 11/2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh công bố xóa bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục khác trong số 443 thủ tục ở 19 lĩnh vực kinh doanh từ cấp xã tới cấp trung ương, tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có, nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận.
Các lĩnh vực đơn giản hóa thủ tục của Bộ gồm kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu (5 thủ tục), thương mại quốc tế (3 thủ tục), công nghiệp nặng (2 thủ tục), sản xuất kinh doanh thuốc lá (6 thủ tục), kinh doanh khí (18 thủ tục), kinh doanh rượu (19 thủ tục), xăng dầu (15 thủ tục), an toàn thực phẩm (12 thủ tục), xuất nhập khẩu (8 thủ tục), xúc tiến thương mại (5 thủ tục), quản lý cạnh tranh (1 thủ tục)...
Động thái này của Bộ Công Thương được Cộng đồng doanh nghiệp và dư luận đánh giá là cuộc cải cách “chưa từng có trong lịch sử” ngành Công Thương từ rất nhiều năm nay. Việc xóa bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính đã đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; gắn xây dựng thể chế với công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Dù vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vẫn cho rằng, cải cách hành chính không chỉ nhằm vào thứ hạng của Bộ Công Thương mà phải đo bằng sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp. Nên, các đơn vị ngành cần tiếp tục phân tích rõ vai trò, nhiệm vụ liên quan đến văn bản pháp quy, thể chế theo hướng minh bạch, đơn giản, công khai, nhằm loại bỏ những thủ tục không cần thiết, phù hợp để đáp ứng hiệu quả công việc cho người dân, doanh nghiệp.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương