menu search
Đóng menu
Đóng

Thủ tướng thăm gian hàng triển lãm thành tựu kinnh tế của Bộ Công Thương

08:18 29/08/2015

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến xem các khu trưng bày tại triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tối 28/8. Ảnh: Lê Hùng

Vinanet - Với chủ đề “Ngành Công thương Việt Nam: Hội nhập và phát triển”, khu gian hàng triển lãm của Bộ Công Thương đã thu hút hàng trăm người thăm quan tại lễ khai mạc Triển lãm thành tựu Kinh tế - Xã hội diễn ra tối ngày 28/8 tại Trung tâm Hội trợ Triển lãm Việt Nam, Hà Nội.

Triển lãm thành tựu Kinh tế - Xã hội năm 2015 là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tối ngày 28/8, mặc dù thời tiết không ủng hộ, trời mưa to kèm theo giông bão, thế nhưng, ngay từ 18 giờ, hàng nghìn người dân thủ đô đã kéo đến thăm quan tại khu triển lãm.

Đúng 20 giờ, lễ khai mạc chính thức được bắt đầu.

Đến dự lễ khai mạc có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng nhiều lãnh đạo các cấp, ban, ngành khác...

Ngay sau khi kết thúc lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn lãnh đạo cấp cao đã đi thăm từng khu gian hàng triển lãm.

Tại gian hàng của Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm quan từng mô hình, nghe lãnh đạo Bộ Công Thương giới thiệu thành tựu cơ bản của ngành trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay và những chính sách, định hướng phát triển giai đoạn 2015-2010.

Sau khi tham quan các thành tựu của ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chụp ảnh lưu niệm cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và các lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại.

 

Khu trưng bày các sản phẩm công nghiệp của Bộ Công Thương. Ảnh: Kiều Linh

Trong khuôn khổ diện tích 18m2, khu gian hàng của Bộ Công Thương được thể hiện sinh động thông qua các hình thức: hình ảnh, áp phích, biểu đồ, mô hình, sản phẩm, video, tài liệu, ấn phẩm, hiện vật tiêu biểu.

Các nội dung chính về các thành tựu nổi bật thuộc các lĩnh vực của ngành Công Thương được trưng bày tại gian hàng triển lãm gồm: Giới thiệu chung về lịch sử hình thành và phát triển của Bộ Công Thương; Năng lượng; Công nghiệp nặng; Công nghiệp nhẹ; Xuất nhập khẩu  - Xúc tiến Thương mại; Hội nhập kinh tế quốc tế; Thị trường trong nước, miền núi, biên giới, hải đảo; Phát triển khoa học công nghệ; Công nghiệp địa phương; Công tác phát triển nguồn nhân lực.

Suốt chặng đường 30 năm đổi mới vừa qua, ngành Công Thương đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước, với vị thế là một trong những ngành giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Lĩnh vực công nghiệp đã và đang đạt được những dấu mốc tăng trưởng ổn định với tốc độ cao. Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp từ mức khiêm tốn 40 tỷ đồng năm 1985 đến nay đã đạt 1.400.000 tỷ đồng vào năm 2015. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo từ 79,9% năm 1991 tăng 86,6% năm 2015.

Về phát triển xuất nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng bình quân xuất khẩu 30 năm ước đạt 20%/năm. Năm 1985 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 689,5 triệu USD, sau 30 năm tổng kim ngạch ước đạt 165 tỷ USD, tăng gần 240 lần.

Việt Nam từ một quốc gia chủ yếu tham qua hoạt động ngoại thương với khối các nước xã hội chủ nghĩa đến nay đã có quan hệ xuất nhập khẩu với trên 230 quốc gia và vũng lãnh thổ, nền kinh tế có độ mở thương mại lớn, trên 170%.

Trao đổi với Vinanet, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, đơn vị tổ chức trưng bày gian hàng của Bộ Công Thương cho biết,  được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức gian hàng triển lãm.  Gian hàng tập trung làm nổi bật các thành tựu lớn nhất của Bộ trong 70 năm qua như thành tựu khoa học công nghệ, thành tựu trong sản xuất cũng như hội nhập quốc tế.

“Ngoài hình ảnh, nội dung triển lãm còn thể hiện những kết quả hết sức rõ nét trong sự phát triển ngành công nghiệp nặng, ngành năng lượng, đặc biệt năng lượng điện với mạng lưới hệ thống điện phủ khắp toàn quốc. Đồng thời, thể hiện sự phát triển của ngành than khoáng sản, đặc biệt công nghiệp dầu khí Việt Nam, một ngành yêu cầu công nghệ cao đã góp phần phát triển cho nền kinh tế quốc dân”, ông Bùi Huy Sơn nhấn mạnh.

Kiều Linh