menu search
Đóng menu
Đóng

Thuốc lá lậu ồ ạt tuồn vào Việt Nam

16:13 15/09/2017

Vinanet - Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, thời gian qua tình hình buôn lậu thuốc lá trên địa bàn biên giới tỉnh An Giang chưa có chiều hướng giảm, vẫn diễn biến phức tạp.

Thuốc lá lậu ồ ạt tuồn vào Việt Nam. Đó là nghi nhận của phóng viên tại các Hội nghị về tuyên truyền về tác hại của buôn bán, vận chuyển và tàng trữ thuốc lá nhập lậu được Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang và Tây Ninh tổ chức tại An Giang và Tây Ninh trong các ngày 12 và 14 tháng 9 vừa qua.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, thời gian qua tình hình buôn lậu thuốc lá trên địa bàn biên giới tỉnh An Giang chưa có chiều hướng giảm, vẫn diễn biến phức tạp.

Phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi; chúng cấu kết, móc nối với nhau hình thành đường dây trong, ngoài địa bàn khu vực biên giới; tổ chức lực lượng vận chuyển chuyên nghiệp và hoạt động rất chặt chẽ.

Thuốc lá được tập kết gần biên giới đợi thời cơ đêm tối, ngày nghỉ, giờ nghỉ, những nơi xa sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để vận chuyển qua biên giới.

Sau khi qua biên giới thuốc lá sẽ được chuyển ngay lên các xe mô tô đang chờ sẵn và chạy với tốc độ nhanh theo từng tốp hoặc ngụy trang, lợi dụng chở hàng hóa hợp pháp cất giấu trên các xe ô tô khách, xe tải, ghe có trọng tải lớn… để vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.

Thuốc lá điếu được vận chuyển qua biên giới tập trung vào chiều tối, từ 18h đến 5h sáng ngày hôm sau, quá trình vận chuyển luôn có người canh coi, theo dõi lực lượng làm nhiệm vụ, khi vận chuyển nếu hàng hóa bị bắt thì phải đền bù nên các đối tượng sẵn sàng cướp giật lại hàng khi bị bắt giữ.

Các chủ đầu nậu không trực tiếp vận chuyển mà thuê người vận chuyển với số lượng nhỏ lẻ, vì vậy rất khó bị bắt giữ, nếu có bị bắt giữ thì đa phần chưa đủ định lượng để truy tố; quá trình giao nhận hàng thường ở những nơi vắng, ít người qua lại và có nhiều đường để tẩu thoát; các địa điểm này cũng thường xuyên thay đổi, đặc biệt các đối tượng không chứa thuốc lá trong nhà hoặc kho mà để ở các khoảng đất trống, vắng người sau đó cắt cử người trông coi, canh giữ, khi bị phát hiện thì các đối tượng nhanh chóng chạy thoát thân bỏ lại hàng hóa, phương tiện nên rất khó khăn trong việc bắt giữ đối tượng cùng tang vật thuốc lá; nếu có bắt được đối tượng cùng tang vật cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự, vì trị giá hàng hóa bắt giữ thấp.

Đại diện Ban chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, đến nay tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu từ Campuchia vào Việt Nam trên địa bàn Tây Ninh đã được kìm chế. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu từ Campuchia với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, giá trị tang vật bắt giữ của từng vụ việc xu hướng tăng.

Dẫn chứng về vấn đề này, đại diện Ban chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh nêu, hồi tháng 3 vừa qua, tại khu vực ấp An Thới, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an tỉnh Tây Ninh tiến hành bắt giữ đối tượng Cao Văn Mè, sinh năm 1972, ngụ tại tỉnh Tây Ninh đang có hành vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. Tang vật, phương tiện tạm giữ gồm 6.000 gói thuốc lá điều ngoại hiệu Hero, 1 xuồng nhựa và 1 máy chạy ghe.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Tây Ninh cho biết: tình hình vận chuyển, buôn bán tàng trữ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn còn diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động tinh vi hơn, luôn thay đổi phương thức thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động, chúng tổ chức nhiều điểm tập kết thuốc lá ngoại trên biên giới Campuchia tiếp giáp địa bàn các huyện biên giới để tìm cách vận chuyển tiêu thụ trong tỉnh và đưa đi các tỉnh lân cận như Thành phố Hồ chí minh, Bình dương. Phương thức thủ đoạn chủ yếu: Đối ượng đầu nậu tổ chức đường dây,, điều hành chặt chẽ, trang bị hiện đại, thuê người theo dõi thường xuyên mọi hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu để báo cho đối tượng cầm đầu tìm cách đối phó; hàng hóa được chia ra vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lần bằng các phương tiện mô tô; sử dụng xe ô tô hoặc xe gắn máy có thiết kế pụ để giấu hàng lậu, thường xuyên thay đổi luồng, tuyến vận chuyển, thời gian, địa điểm giao hàng để không tạo thành quy luật nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Siêu lợi nhuận

Đưa ra nguyên nhân khiến tình trạng thuốc lá buôn lậu gia tăng, ông Nguyễn Triết - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, do sự không thống nhất trong các văn bản pháp lý xử lý tội danh buôn lậu thuốc lá, nên tình trạng buôn lậu thuốc lá điếu có chiều hướng gia tăng mạnh và diễn biến hết sức phức tạp.

“Buôn lậu vì thuốc lá có sức hấp dẫn do gọn nhẹ, dễ vận chuyển, lợi nhuận cao, trốn tất cả các loại thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 70%, đóng góp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%, thuế giá trị gia tăng 10% và thuế nhập khẩu 135%. Buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy”, ông Nguyễn Triết cho hay.

Trong khi đó, đối tượng buôn lậu chủ yếu là nhóm cư dân buôn giới không có việc làm ổn định, thông thạo ngôn ngữ, địa bàn để tham gia vận chuyển thuê hàng lậu, xuyên qua lại biên giới... khi bị lực lượng chức năng bắt giữ sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để cướp hàng.

Theo thống kê của Hiệp hội thuốc Thuốc lá Việt Nam, trung bình 6 tháng, lượng thuốc lá ngoại nhập lậu được tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây lên đến 225 triệu bao.

Trong khi đó, báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của An Giang và Long An, hai tỉnh có hoạt động buôn lậu thuốc lá rầm rộ nhất tại biên giới Tây Nam, số thuốc lá lậu thu giữ được chưa tới 2 triệu bao.

Theo Công văn số 154/TANDTC-PC của Tòa án Tối cao ngày 25/7/2017V/v xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa: Kể từ ngày 01-7-2015 (ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành) đến ngày 01-01-2018 (ngày Luật số 12/2017/QH14 có hiệu lực thi hành), không xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10.

Từ 1/ 1/2018, hành vi tàng trữ, buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu sẽ bị cấm và bị xử lý hình sự. Nắm bắt được điều này, các đối tượng buôn lậu đang tận dụng các tháng cuối năm tập trung vận chuyển, tàng trữ, buôn lậu thuốc lá ồ ạt và với số lượng lớn trước khi Bộ luật Hình sự được thực thi.

Ngày 20-6, Quốc hội đã thông qua sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó sửa đổi Điều 190, Điều 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với các trường hợp buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu từ 1.500 bao đến 3000 bao; phạt tù từ 5-10 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; và phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên…

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương