Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển và không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Buổi gặp mặt không chỉ biểu dương, cổ vũ, khích lệ những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà còn nối dài chuỗi các hoạt động lắng nghe, chia sẻ, trao đổi của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ ngành với doanh nghiệp - động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững tại thời điểm nền kinh tế thế giới và trong nước đang chuyển mình theo những xu hướng mới.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, cách đây 20 năm, ngày 13/10 hàng năm đã được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam với ý nghĩa chính là khuyến khích và tôn vinh vai trò của những nhà doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và cho Nhân dân. Trong bối cảnh hiện nay của nước ta (với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả), Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các nhà doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.
Tham dự và phát biểu tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự đồng tình cao với những đánh giá về vai trò, vị trí, tầm quan trọng cũng như đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển kinh - tế xã hội của đất nước, đồng thời, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc, hạn chế mà các doanh nghiệp, doanh nhân nước ta đang gặp phải.
Thời gian tới, để tiếp tục khai thác, phát huy những tiềm năng to lớn của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong kỷ nguyên mới của đất nước, dưới góc độ ngành Công Thương, tư lệnh ngành Công Thương đã kiến nghị, đề xuất một số nhiệm vụ giải pháp như:
Một là, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, để xã hội có cái nhìn thân thiện hơn, ủng hộ và đối xử công bằng hơn với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ so với các doanh nghiệp FDI.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh nhân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh của mình, kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ doanh nhân dân tộc, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tăng cường hội nhập quốc tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, khơi dậy khát vọng xây dựng các doanh nghiệp dân tộc xứng tầm có vai trò đầu tàu, dẫn dắt trong phát triển kinh tế, nhất là những ngành trọng điểm.
Thứ hai, chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến phát triển doanh nghiệp, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách còn chồng chéo, bất cập (nhất là các văn bản ở tầm Luật, Nghị định trong các lĩnh vực: doanh nghiệp, đầu tư, đầu tư công, ngân sách nhà nước, chứng khoán, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, quản lý thuế, năng lượng và khoáng sản) để tháo gỡ kịp thời những rào cản, vướng mắc, điểm nghẽn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhất là trong việc tham gia triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Đặc biệt, cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh (trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ các yếu tố đầu vào của sản xuất như: vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, phát triển công nghệ và các yếu tố đầu ra như thị trường, thương hiệu...) để hỗ trợ hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh, có sức cạnh tranh cao nhằm phát huy vai trò tiên phong, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tích cực tham gia đầu tư các dự án lớn trong các ngành quan trọng, có lợi thế cạnh tranh (nhất là các ngành công nghiệp mới, như: sản xuất năng lượng sạch, sản xuất chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen, hoặc trong lĩnh vực thương mại như thương mại điện tử và logistic) tạo động lực bứt phá, dẫn dắt, lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, có cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (nhất là vào các nước phát triển về công nghệ gốc và các nước giàu tài nguyên khoáng sản) nhằm tham gia sâu vào thị trường công nghệ và tạo chuỗi cung ứng quốc tế mới, bảo đảm chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đồng thời có điều kiện để tiếp cận với công nghệ mới, công nghệ lõi và kinh nghiệm quản trị tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia càng sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiếp tục làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống từ cả phía cung (gồm: Sản xuất nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, xây dựng; dịch vụ, du lịch; phát triển doanh nghiệp) và phía cầu (gồm: hỗ trợ thúc đẩy đầu tư, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ xuất khẩu); đồng thời, chú trọng khai thác có hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, như: đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… Thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện chuyển đổi số, tạo động lực phát triển lực lượng sản xuất mới để hình thành các quan hệ sản xuất mới, phù hợp.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải cách công vụ của các cơ quan nhà nước, nhằm đạt 3 giảm (giảm thời gian, giảm chi phí, giảm thủ tục giấy tờ), rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, hỗ trợ doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế pháp lý để bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; xây dựng và áp dụng chế tài phù hợp cho doanh nghiệp khắc phục những sai phạm về kinh tế bằng kinh tế. Đồng thời, kịp thời tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, chấp hành tốt các quy định của Đảng, Nhà nước.
Thứ năm, đối với các doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với việc nỗ lực trong sản xuất kinh doanh cũng cần tích cực nghiên cứu, góp ý, tham mưu chính sách với các Bộ, ngành, Chính phủ để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, triển khai các dự án lớn hiện có. Đồng thời, khuyến khích đầu tư các dự án mới phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không ngừng áp dụng công nghệ mới cải tiến mô hình quản trị; quán triệt, nâng cao ý thức và chất lượng nguồn nhân lực; tạo xung lực, khí thế mới trong sản xuất, kinh doanh, khắc phục tình trạng e ngại, né tránh; đầu tư trọng tâm cho nghiên cứu và phát triển để bắt kịp xu thế công nghệ mới trong các lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng mới.
Thứ sáu, phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp, là cầu nối vững chắc giúp doanh nhân, doanh nghiệp có những phản biện chính sách và thực thi hiệu quả những chủ trương Chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời, khai thác có hiệu quả những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để phát triển thị trường, thúc đẩy sản xuất.
Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân những năm qua đã góp phần quan trọng đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của khu vực và thế giới, từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong lĩnh vực thương mại, các doanh nghiệp tư nhân cùng với DNNN đóng góp trên 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào kết quả xuất khẩu ấn tượng những năm qua. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đã luôn tích cực tham vấn, phản biện chính sách trong quá trình các cơ quan chức năng xây dựng các cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế đất nước.
Cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc và có bước phát triển ấn tượng cả về quy mô và chất lượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KTXH nói chung, ngành Công Thương nói riêng. Nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, năng lực về nguồn vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp đã vươn lên đi đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đầu tư trong các ngành công nghiệp mới (như công nghệ AI, chíp bán dẫn, Hydrogen…) và tạo dựng hệ sinh thái cho các DNNVV cùng phát triển, như: Tập đoàn Vingroup, Sun Group, Thaco, Hòa Phát, Viejet, TH, BRG... Một số doanh nghiệp đã vươn ra đầu tư tại nước ngoài và đạt được những thành công, tạo dựng được thương hiệu, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguồn:Cổng TTĐT Bộ Công Thương