menu search
Đóng menu
Đóng

Tìm cách đưa hàng Việt vào kênh phân phối lớn ở nước ngoài

20:55 27/05/2017

Xuất khẩu cả nước trong bốn tháng đầu năm đạt hơn 61 tỉ đô la Mỹ

Vinanet - Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển các kênh xuất khẩu hàng Việt thông qua các nhà phân phối lớn. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các nhà phân phối lớn như Casino (Pháp), Metro Cash&Carry và Sehrgros (Đức), Makro (Cộng hòa Séc), Coop, Conad (Ý)… quảng bá, xuất khẩu hàng Việt tại các chuỗi phân phối hàng tại châu Âu.
Thông tin nói trên được nêu tại hội thảo “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài” do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (26-5-2017) tại TPHCM nhằm giúp doanh nghiệp trong nước phát triển các kênh xuất khẩu mới- đưa hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại các nước qua các mạng phân phối nước ngoài.
Thống kê từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã tổ chức khoảng 10 sự kiện “Tuần hàng Việt Nam” tại châu Âu, châu Á, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài, tiết kiệm được chi phí trung gian, mang lại giá trị gia tăng cao.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu thuộc Bộ Công Thương, mục tiêu được đặt ra là đến năm 2020 hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ xuất trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Để đạt mục tiêu này, ông Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ đóng vai trò cầu nối thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam, hoặc các mô hình thí điểm, mô hình mẫu để hướng doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hình thức xuất khẩu này.
Ông Hải cho rằng những việc cần thực hiện để thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt gồm xây dựng cơ sở dữ liệu phân phối, tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ đào tạo quản lý chất lượng, kỹ năng đàm phán hợp đồng với các nhà phân phối nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam thành lập cơ sở phân phối, bảo hành sản phẩm tại một số nước nếu có điều kiện thuận lợi …
Ông Hải cho biết bước đầu, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào hệ thống nhà phân phối Aeon (Nhật Bản) đã tăng từ 18,2 tỉ yên trong 2013 lên khoảng 23,4 tỉ yên trong năm 2014; kim ngạch xuất khẩu vào hệ thống Lotte (Hàn Quốc) đạt 19,6 triệu đô la Mỹ trong năm 2014. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt của Casino tăng mạnh lên 27 triệu đô la Mỹ trong năm 2014 và 30 triệu đô la Mỹ trong năm 2015.
Trước đó, vào tháng 9-2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”, đi kèm với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mạng phân phối nước ngoài như thị trường châu Âu, châu Á…
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là vào các hệ thống phân phối đã hiện diện tại Việt Nam và tiếp đến là các hệ thống phân phối lớn khác. Đồng thời, chú trọng đến những nhóm hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, chè, rau quả, đồ gỗ nội thất...

Nguồn: Vân Nam/TBKTSG Online