menu search
Đóng menu
Đóng

Tỷ giá tăng, doanh nghiệp thép, thủy sản, giấy lên tiếng

14:58 19/08/2015

Vinanet - Động thái tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 19/8 được đại diện các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đánh giá tích cực trong bối cảnh tiền tệ của các nước trong khu vực liên tục biến động.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đánh giá rất cao động thái tăng tỷ giá của NHNN. Ông Nam cho rằng, hành động này mang tính kịp thời, hỗ trợ tốt cho hoạt động xuất khẩu của DN. Tuy nhiên mức điều chỉnh lần này theo ông Nam là chưa đáp ứng được kì vọng của DN.

Theo ông Nam, khi xuất khẩu trong hai quý đầu năm có dấu hiệu giảm, các nước xung quanh đã có động thái như giảm lãi vay ngắn hạn hoặc điều chỉnh tỷ giá, rõ ràng là họ đang thúc đẩy xuất khẩu. "Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta. Vì vậy Việt Nam cũng phải có những điều chỉnh, không đến mức tương thích nhưng phải mang tính hỗ trợ DN"- Vị này chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cũng cho rằng động thái của NHNN là rất kịp thời, tốt cho các DN trong bối cảnh Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, làm giảm khó khăn cho các DN xuất khẩu của Việt Nam, nâng cao tính cạnh tranh của DN. 

Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa. Ảnh: Vũ Nguyệt

Tuy nhiên, theo ông Sưa, điều này cũng có hai mặt. Ngành thép mặc dù những năm gần đây phát triển rất nhanh nhưng cũng phải nhập một lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm rất lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc, số lượng nhập khẩu từ thị trường này chiếm đến trên 50%, tương đương khoảng 9 tỷ USD. “Các sản phẩm thép trong nước sẽ phải cạnh tranh vô cùng khốc liệt với thép Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam”, ông Sưa lo lắng.

Ông Hoàng Quốc Lâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Giấy Việt Nam cho rằng, việc phá giá VNĐ có ảnh hưởng đến các công ty giấy; tuy nhiên, mức ảnh hưởng tùy thuộc vào từng DN.

Đối với Tổng Công ty Giấy, ông Lâm cho biết, nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu chỉ chiếm 8-10%, nên giá nguyên liệu tăng lên nhưng không đáng kể. Lợi thế của Tổng Công ty Giấy vẫn là nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu tự sản xuất được hoặc có sẵn ở trong nước. 

"Con số thực tế nhập khẩu hàng năm của Tổng công ty chỉ 2.000 tấn trên tổng số 20.000 tấn nguyên liệu bột giấy phục vụ cho sản xuất. Hiện tại nguồn bột giấy chủ yếu nhập từ Indonexia, từ Nam Mỹ. Kế hoạch nhập khẩu vẫn không thay đổi, hợp đồng đã ký từ trước với doanh nghiệp nước ngoài"- Ông Lâm cho hay.
 
Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng, đối với những doanh nghiệp nhập khẩu 100% bột giấy từ nước ngoài thì việc VNĐ mất giá sẽ ảnh hưởng rất lớn tới những doanh nghiệp này.

Trao đổi với Vinanet, ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu, Bộ Công thương cho biết, việc tăng tỷ giá giúp DN xuất khẩu có được lợi thế; tuy nhiên đối với DN nhập khẩu lại làm tăng chi phí. "Tôi nghĩ rằng NHNN khi đưa ra quyết định này đã tính toán rất kỹ, làm sao vừa đảm bảo không gây biến động thị trường vừa đảm bảo lợi ích của DN"- Ông Minh nêu quan điểm.

Vũ Nguyệt - Huyền Thương