menu search
Đóng menu
Đóng

Vai trò của người lao động trong sự thúc đẩy phát triển kinh tế thời hội nhập

09:06 22/08/2017

Hội thảo “Vai trò và quyền lợi của người lao động trong sự thúc đẩy phát triển kinh tế thời hội nhập” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE); Tạp chí Kinh doanh và Tiếp thị; Câu lạc bộ các nhà Công Thương Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra ngày 19/8, tại Hà Nội.
Trong xu thế hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới hiện tại, vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động và người lao động với doanh nghiệp đang là một trong những vấn đề nóng hiện nay được các cơ quan lập pháp, chuyên ngành, hữu quan và các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm nhằm cải thiện chất lượng người lao động để có thể đáp ứng kịp thời với xu thế hội nhập.
Quang cảnh hội thảo.
Để giải đáp cho những vấn đề liên quan trong các lĩnh vực này; tại Hội thảo các đại biểu tham dự là đại diện các doanh nghiệp, đại diện người lao động sẽ có buổi đối thoại mở với Ban tổ chức và các chuyên gia nhằm giải tỏa những thắc mắc cũng như tìm hướng đi thích hợp, góp phần cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong xu thế hội nhập.
PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Công Thương Việt Nam, phát biểu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Công Thương Việt Nam cho rằng: “Trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập, vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động và người lao động với doanh nghiệp đang là một trong những vấn đề nóng hiện nay được các cơ quan lập pháp, chuyên ngành, hữu quan và các doanh nghiệp quan tâm với mục đích cải thiện chất lượng người lao động, lao động với năng suất cao, trí tuệ và sáng tạo nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế.Yêu cầu đặt ra là phải phát triển một thị trường lao động đa dạng và linh hoạt, tạo nguồn lực có chất lượng cao cho nền kinh tế, đóng góp tích cực để nâng cao năng suất tổng hợp, nâng cao chất lượng tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đó phải là một thị trường lao động với những lao động được đào tạo, lành nghề, giàu kỹ năng; khéo léo, thông minh, sáng tạo, có tính chuyên nghiệp và tay nghề cao; đồng thời đảm bảo cân đối cung cầu, cân đối ngành nghề và khu vực, lãnh thổ”.
TS. Bùi Sỹ Lợi phát biểu.
Hội thảo cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp thông qua các bài phát biểu của đại diện doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức, ban ngành, như: "Cần quan tâm hơn nữa đến việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của lao động nữ di cư trong các doanh nghiệp FDI" do TS. Bùi Sỹ Tuấn (Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ LĐTBXH) trình bày; "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" của GS.TS Đinh Văn Hiến; "Tham vấn công chúng và quyền lợi của người lao động" của Ths. Lê Hà Vũ (Văn phòng Quốc hội); "Hậu xuất khẩu lao động - Vấn đề cần quan tâm" của ông Nguyễn Văn Vị, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổphần đầu tư du học và hợp tác quốc tế VTC1...
Trao kỷ niệm chương tại Hội thảo.
Hội thảo cũng đã ghi nhận ý kiến của một số đại diện các tập đoàn kinh tế lớn ở Việt Nam về các vấn đề bất cập trong chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, vấn đề tiền lương và an toàn - vệ sinh lao động.
Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao các ý kiến của đại diện doanh nghiệp đưa ra, cũng như tiếp thu các đề xuất của doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể đại diện cho người lao động, qua đó sẽ là tiền đề cho công tác hoàn thiện các chính sách nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi và trách nhiệm của người lao động trong xu thế hội nhập.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương